Xã Thái Bình xưa và các đền miếu, dinh thờ Quan lớn Trà Vong


Xã Thái Bình vẫn còn đây, như một minh chứng lớn lao nhất thời Tây Ninh hình thành và phát triển. Đình Thái Bình vẫn sừng sững hiên ngang thách thức thời gian, mưa nắng, dù nay đã thuộc về thành phố Tây Ninh.

 

 

 

 

Mùa lễ giỗ và Kỳ yên tại các đền miếu, dinh thờ Quan lớn Trà Vong Huỳnh Công Giản diễn ra trong tháng 2 và tháng 3 âm lịch hằng năm. Sớm nhất là ở các ngôi miếu Bàu Sấu (còn gọi là Trạm Bơm, thuộc khu phố 2, phường 1, thành phố Tây Ninh) và miếu Thái Vĩnh Đông. Lễ giỗ diễn ra trong 2 ngày 11 và 12 tháng 2 âm lịch.

 

 

Còn nơi làm lễ giỗ và Kỳ yên sau cùng là ở dinh thờ ấp Thanh Thuận, xã Thanh Điền vào các ngày 19 và 20 tháng 3 âm lịch. Năm nay, tại Thanh Thuận còn có thêm một nghi lễ đặc biệt. Đấy là lễ “di dời linh vị” Ông về ngôi dinh mới, được xây lại khá khang trang trên phần đất phía trước ngôi dinh cũ.

 

 

Trên phần đất rộng cả ngàn mét vuông, được xây dựng bề thế, có cổng tường rào cao rộng, lễ “di dời linh vị” Ông được tổ chức trọng thể với đoàn các cụ cao niên áo thụng xanh khăn đóng, dàn nhạc lễ trịnh trọng tháp tùng, cùng tốp múa lân sư rồng biểu diễn. Hộ vệ hai bên còn có tốp trai làng, trang phục lính xưa tay cầm binh khí cổ, chỉnh tề và rất mực trang nghiêm.

 

 

Linh vị được các cụ kính cẩn đặt vào long đình (kiệu) có đèn nến hương hoa, được lính lệ khiêng trang trọng. Giữa không khí ấy, bên cạnh ngôi thờ mới xây cao rộng còn thơm sực mùi sơn mới, có người lại chạnh lòng khi ngắm nhìn ngôi dinh cũ.

 

 

Ngôi thờ này được xây năm 1959, khi khu đất này còn thuộc về ấp Thái Thuận, xã Thái Bình. Gọi là dinh Ông, nhưng chỉ có một gian thờ rộng dài mỗi chiều gần 3 mét. Cách mặt tiền dinh ra khỏi hơn 4 mét có thêm một chiếc võ ca. Võ ca gồm 5 gian mái ngói, cột xây dài gần 10 mét và rộng 3m8.

 

 

Ở 2 gian ngoài cùng, nền được tôn cao 0m6, lát gạch men cho quan khách ngồi nghỉ trước khi làm lễ cúng. Phía trước vẫn còn một không gian cả cây kiểng lẫn cây hoang dại phác nên một vẻ hoang sơ. Ở giữa có lối đi ra trụ đài Tổ quốc ghi công. Hai bên là 2 ngôi miếu nhỏ, một bên thờ thổ địa, thần tài, bên kia thờ chiến sĩ trận vong. Vào ngày thường, cái không gian vắng vẻ nguyên sơ này như nhuốm màu cổ tích.

 

 

Trên sân dinh hoặc dưới mái ngôi võ ca, lúi húi bóng mấy bà, mấy cô đang băm chặt phơi thuốc nam làm từ thiện, vừa làm việc vừa trò chuyện. Bà Ba Anh năm đã 83 tuổi vẫn còn nhớ chuyện của cha mẹ kể lại cơ duyên có ngôi dinh. Đấy là vào khoảng những năm 1930 khi đồn điền cao su của bà Đầm Nhên (mẹ ông Ba Tức) còn bao trùm ở chung quanh.

 

 

Một lần, ông “cặp rằng” của đồn điền tìm được một cuốn sách cổ chữ Hán. Đem nhờ dịch lại thì biết đây là cuốn sổ ghi chép việc quân, lương của đội quân Quan lớn Trà Vong. Biết là đội quân ấy từng qua đây, nên ông “cặp rằng” dựng ngôi miếu nhỏ bằng bốn cột cây và mái tranh, đặt cuốn sổ vào trong, rồi bày biện hương đăng thờ tự. Có một lần, quan Tây của đồn điền cưỡi ngựa đi vào, ngựa dừng lại hí vang.

 

 

Quan xuống xem thì thấy ngôi miếu nhỏ. Thấy vậy, quan sai người “cặp rằng” phải tu sửa, làm lại ngôi miếu khang trang hơn bằng cột cây và mái ngói. Đồn điền cũng dành ra hơn 1 ha đất cho ngôi miếu có hoa lợi để quanh năm nhang khói phụng thờ Ông. Phần đất này hiện không ai dám xâm phạm, lấn chiếm nên vẫn còn tới ngày nay.

 

 

Bà Ba Anh là nhân chứng sống động và đầy đủ nhất đối với các hoạt động ở ngôi dinh thờ Thanh Thuận. Cha bà từng là hương chức của xã Thái Bình xưa nên bà còn nhớ vào mùa lễ giỗ ngài, thì ngôi thờ nào trong xã cũng rình rang những hát bội và múa bóng.

 

 

Cha bà đi dự tế hết ngôi này đến ngôi kia trong xã, cuối cùng mới trở về ngôi dinh Thái Thuận. Các đoàn hát bội nhờ thế mà biểu diễn liên tục ở xã Thái Bình suốt gần 2 tháng. Cho đến những năm kháng chiến chống Mỹ thì dinh ông ở trong vùng cách mạng kiểm soát. Bà cũng còn nhớ vài cái tên cán bộ cách mạng thường qua lại khu dinh thờ.

 

 

Đấy là các ông: Tư Lùn, Mười Tâm (thuộc lực lượng cách mạng Thị xã, nay là thành phố Tây Ninh). Có lần ông Tư còn “mượn” bộ ván dầu kê ở dinh để lót hầm bí mật những năm địch tăng cường ruồng bố. Sau hoà bình, ông Tư có trở lại và xây “trả” cho dinh hai tấm bệ ngồi, chính là 2 gian ở dưới võ ca, nơi bà Ba và mấy bà bạn thường cùng ôn lại chuyện ngày xưa…

 

 

Thỉnh linh vị Quan lớn Trà Vong về dinh mới.

 

 

Đáng lưu ý là trên mặt tiền ngôi dinh cũ, được xây lại vào năm 1959 vẫn còn nguyên hàng chữ đắp nổi bằng xi măng trên đố cửa. Đấy là: “xã Thái Bình ấp Thái Thuận”. Cho dù ngày nay, sau những lần điều chỉnh địa giới, dinh đã thuộc về ấp Thanh Thuận, xã Thanh Điền.

 

 

Từ đây, nhớ và nghĩ rộng ra, thì hầu hết các ngôi đền miếu, dinh thờ Quan lớn Trà Vong xưa đều thuộc xã Thái Bình. Sách truyền thống Cách mạng xã Thái Bình (1945 – 1975) của Đảng bộ xã (2010) ghi nhận là: “Nhân dân huyện Tân Ninh (Châu Thành) đã lập nhiều đền thờ ông ở nhiều nơi trên đất Châu Thành, đặc biệt là tại xã Thái Bình (riêng Thái Bình hiện tại có trên 12 miếu để thờ Ông)”.

 

 

Quả nhiên là vậy. Cho dù là các ngôi ở huyện Tân Biên như: khu mộ tại ấp 3 Trà Vong, dinh thờ ở xã Mỏ Công cũng đều thuộc xã Thái Bình xưa. Hoặc các ngôi ở các xã Đồng Khởi, từ Chòm Dừa cho đến Tua Hai, Cầy Xiêng thì cũng thuộc xã Thái Bình ngày trước.

 

 

Cho đến cả các ngôi ở khu vực thành phố Tây Ninh hiện nay như Bàu Sấu ở phường 1, Giồng Tre ở xã Bình Minh cũng từng thuộc ấp Bình Trung của xã Thái Bình. Chỉ có vài ngôi không thuộc Thái Bình thì thuộc về làng Ninh Thạnh, như các ngôi ở Suối Vàng (Thạnh Tân) hay Thái Vĩnh Đông (phường 1, thành phố Tây Ninh).

 

 

Vì thế, có thể coi Quan lớn Trà Vong Huỳnh Công Giản là nhân vật anh hùng bậc nhất ở xã Thái Bình trong thời kỳ đầu mở đất. Ta còn có thể tìm thấy vài chi tiết mới trong sách đã dẫn (2010), đấy là những dòng viết về ông: “Huỳnh Công Giản, quê quán ở huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hoá, có 2 người em là Huỳnh Công Thắng và Huỳnh Công Nghệ, ba anh em đều là quan chức triều đình, cùng cha vào Nam ở Nhật Tảo (Cần Giuộc, tỉnh Tân An)…”.

 

 

So với bản tiểu sử Ông được lưu giữ tại miếu Thái Vĩnh Đông có chi tiết khác, đó là: Ông chỉ có 2 anh em, với người em Huỳnh Công Nghệ. Cũng từ làng Nhật Tảo ra đi, lên Tây Ninh mở mang khai phá và tổ chức dân binh bảo vệ lưu dân, nhưng các ông chỉ “sinh trưởng trong một gia đình nông nghiệp, thân sinh Ngài là đức ông Huỳnh Công Cẩn, quê ở Nhật Tảo (Tân An)…” (tiểu sử đức Quan lớn Trà Vong Tây Ninh, 1973).

 

 

Xã Thái Bình vẫn còn đây, như một minh chứng lớn lao nhất thời Tây Ninh hình thành và phát triển. Đình Thái Bình vẫn sừng sững hiên ngang thách thức thời gian, mưa nắng, dù nay đã thuộc về thành phố Tây Ninh.

 

 

 

 

 

 

 

Nguồn: baotayninh.vn

 

 

 

 

Tin liên quan

WordPress Video Lightbox Plugin