Ngày Thế giới không thuốc lá 2020 (31/5/1987 – 31/5/2020)


Theo Nghị quyết WHA42.19 của Hội đồng Y tế thế giới (World Health Assembly), ngày 31 tháng 5 hằng năm được chọn là Ngày Thế giới không thuốc lá (World No Tobacco Day – WNTD). Mục đích nhằm tạo ra và khuyến khích khoảng thời gian 24 tiếng không có khói thuốc lá trên toàn cầu. Mục đích xa hơn là gây sự chú ý của cộng đồng đến tác hại của thuốc lá đối với người hút thuốc lá chủ động cũng như bị động, mà hằng năm cướp đi sinh mạng của khoảng 5,4 triệu người trên toàn cầu.

 

Các quốc gia thành viên của WHO thành lập Ngày Thế giới không thuốc lá vào năm 1987 nhằm thu hút sự chú ý toàn cầu đối với nạn dịch thuốc lá và những tác hại gây chết người của nó. Đây là dịp để nhấn mạnh các thông điệp về kiểm soát thuốc lá cụ thể và tăng cường tuân thủ Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá của WHO. Hút thuốc là nạn dịch số một có thể ngăn chặn được mà cộng đồng y tế phải đối mặt. Từ đó đến nay, ngày này đã nhận được sự ủng hộ của những người không hút thuốc lá, các Chính phủ, tổ chức y tế, chăm sóc sức khỏe trên toàn cầu.

 

 

 

 

Ngày Thế giới không thuốc lá được kỷ niệm hàng năm nhằm nhấn mạnh những rủi ro sức khỏe liên quan đến sử dụng thuốc lá và ủng hộ các chính sách hiệu quả để giảm mức tiêu thụ thuốc lá. Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu mà lẽ ra có thể phòng tránh được. Sử dụng thuốc lá hiện gây ra 10% trong số các ca tử vong có thể tránh được ở người trưởng thành trên toàn thế giới.

 

Mục tiêu của Ngày thế giới không thuốc lá là để bảo vệ các thế hệ hiện tại và tương lai không chỉ khỏi những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe do thuốc lá, mà còn tránh khỏi các hậu quả về kinh tế, môi trường và xã hội của việc sử dụng thuốc lá và hút thuốc thụ động. 

 

WHO nhấn mạnh rằng thuốc lá đang đe dọa sự phát triển của các quốc gia trên thế giới và kêu gọi các chính phủ thực hiện các biện pháp kiểm mạnh mẽ để soát thuốc lá. Các biện pháp bao gồm cấm tiếp thị và quảng cáo thuốc lá, thúc đẩy việc đóng gói thuốc lá bằng bao bì trơn theo chuẩn mực chung, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá và thực hiện môi trường không khói thuốc ở những nơi công cộng và nơi làm việc trong nhà.

 

Tất cả các nước đều cam kết thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững nhằm tăng cường hòa bình và xóa nghèo. Các yếu tố chính trong chương trình nghị sự này bao gồm việc thực hiện Công ước khung của WHO về Kiểm soát thuốc lá và đến năm 2030 giảm 1/3 số tử vong do bệnh không lây nhiễm, bao gồm bệnh tim và phổi, ung thư và tiểu đường, mà trong đó thuốc lá là một nhân tố gây bệnh đóng vai trò chính.

 

Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 40.000 người chết do thuốc lá. Theo ước tính của WHO, con số này có thể tăng thành 70.000 trường hợp mỗi năm nếu không có các biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Tổn thất về kinh tế của thuốc lá ước tính hơn 24.600 tỷ đồng hay 1,17 tỷ USD mỗi năm. Tác động gây hại của thuốc lá với sức khoẻ và nền kinh tế tích tụ theo thời gian, vì vậy cần phải có hành động để ngăn ngừa xu hướng tiếp tục gia tăng số tử vong do thuốc lá và những tổn thất kinh tế do nó gây ra trong những năm tới.

 

(Nguồn: hcma.vn)

Tin liên quan

WordPress Video Lightbox Plugin