Du lịch xanh trong trạng thái bình thường mới


Du lịch xanh có thể xem là hướng đi tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Vậy làm gì để có một hành lang du lịch an toàn, kết nối thị trường du lịch và mở đường cho những “vùng xanh du lịch” không chỉ ở một vài địa phương, mà tiến tới cả nước?

 

 

 

 

Từ cuối tháng 9, chiến dịch “Xanh – Xanh” bao gồm các sản phẩm du lịch kết nối điểm đến an toàn về dịch bệnh Covid-19 (gọi là “vùng xanh”) chính thức khởi động với 5 xanh, gồm: thẻ thông hành xanh, doanh nghiệp xanh, hành lang xanh, điểm đến xanh và dịch vụ xanh. Đây cũng được coi là các tiêu chí, điều kiện cần thiết để phát triển du lịch an toàn trong tình hình mới. Trong đó phải bảo đảm sự kết nối an toàn giữa du khách và người lao động trong lĩnh vực du lịch, giữa các điểm đến với nhau và giữa các dịch vụ trong chuỗi cung ứng dịch vụ cho du khách.

 

Ông Phạm Duy Nghĩa, Ủy viên Ban chấp hành Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc công ty du lịch Bàn chân Việt cho rằng khi mà các địa phương, các công ty du lịch, đơn vị lữ hành thực hiện được du khách xanh, những người phục vụ xanh, điểm đến xanh, lộ trình xanh thì mới đảm bảo được an toàn cho du khách.

 

Ông Phạm Duy Nghĩa Ủy viên Ban chấp hành Hội lữ hành Hà Nội, Giám đốc công ty du lịch  Bàn chân Việt - Vietfoot Travel 

Ông Phạm Duy Nghĩa Ủy viên Ban chấp hành Hội lữ hành Hà Nội, Giám đốc công ty du lịch  Bàn chân Việt – Vietfoot Travel 

 

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay thì du lịch xanh sẽ là ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới. Chính vì vậy, các địa phương, công ty, doanh nghiệp lữ hành đã có sự chuẩn bị để thích ứng với hướng đi này. Tuy nhiên vì đây là một hướng đi mới nên bên cạnh những cơ hội sẽ có cả những thách thức, làm sao phải thỏa mãn yếu tố vừa hấp dẫn, lại vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

 

“Cái khó ở đây là các cơ quan từ trung ương đến địa phương chưa đưa ra được một tiêu chí cụ thể để cho các doanh nghiệp du lịch, các đơn vị lữ hành có thể định hướng theo và triển khai một cách hiệu quả. Thứ hai là do dịch bệnh kéo dài, tình hình kinh tế của du khách cũng hạn hẹp nên đây cũng là một trong những khó khăn mà các đơn vị, công ty du lịch hiện đang phải đối mặt. Thêm nữa là tâm lý rụt rè của chính du khách khi chưa yên tâm vì dịch bệnh”, ông Phạm Duy Nghĩa phân tích.

 

Và một điều quan trọng đó là phải làm thế nào để bảo đảm sự kết nối an toàn giữa các địa phương, giữa các khu vực. Nếu chúng ta không tạo ra một tiêu chí thống nhất cho các địa phương cùng thực hiện thì rất khó để kết nối bởi sẽ mỗi nơi một kiểu, mỗi nơi một quy định khác nhau.

 

Du lịch xanh - xu thế tất yếu trong bối cảnh dịch bệnh

Du lịch xanh – xu thế tất yếu trong bối cảnh dịch bệnh

 

Theo dự báo từ các nhà khoa học, dịch Covid-19 sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp, nói cách khác, xã hội, các ngành kinh tế trong đó có du lịch sẽ buộc phải thích nghi theo hướng “sống chung với dịch Covid-19”. Do vậy, du lịch xanh chỉ thực sự có ý nghĩa khi bảo đảm tốt các điều kiện an toàn dịch bệnh; phải đáp ứng tốt yêu cầu phòng, chống dịch và đảm bảo an toàn cả với du khách, người lao động và các hoạt động lữ hành, lưu trú, ăn uống.

 

“Cần sự chung tay vào cuộc của tất cả các bộ ngành từ trung ương đến địa phương để xây dựng một tiêu chí chung, tạo ra một hành lang chung hoặc tạo ra những cái app đồng bộ thì không chỉ giúp cho du khách mà còn giúp cho các đơn vị lữ hành dễ dàng lựa chọn những điểm đến, những đơn vị cung ứng đảm bảo sự an toàn”, ông Phạm Duy Nghĩa đề xuất.

 

Có thể nói, dù ở thời điểm nào thì yếu tố an toàn cho du khách cũng phải được đặt lên hàng đầu. Do vậy, du lịch xanh có thể nói là hướng đi phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Việc kết nối, từ đó nhân rộng các “điểm đến xanh” vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp cho bài toán phục hồi, tăng trưởng du lịch. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ: mở cửa từng bước, không ồ ạt, đáp ứng yêu cầu về bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch bệnh.

 

Nguồn: vov2.vov.vn

Tin liên quan

WordPress Video Lightbox Plugin