Chuyển đổi số là công cụ hồi phục ngành Du lịch


Chiều 23/3, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN đã tổ chức Hội thảo trực tuyến về Mở cửa lại hoạt động du lịch. Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu đã tham dự và có bài phát biểu khai mạc Hội thảo. Bên cạnh sự tham dự của các tên tuổi lớn như IBM, Boeing, Marriott, airbnb, VISA, hội thảo còn có sự tham dự các đại diện Việt Nam: Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh, Sở Du lịch Khánh Hòa, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải, Hội đồng Tư vấn Du lịch.

 

Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu phát biểu khai mạc hội thảo

Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu phát biểu khai mạc hội thảo
 

Trong bài phát biểu khai mạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu đánh giá cao Hội thảo do Hội đồng Kinh doanh (HĐKD) Hoa Kỳ-ASEAN tổ chức, là một sự kiện ý nghĩa và rất kịp thời trong bối cảnh Việt Nam vừa mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới. Phó Tổng cục trưởng bày tỏ vui mừng được mời tham dự, phát biểu khai mạc, cũng như được lắng nghe những chia sẻ, góp ý từ các cơ quan, tổ chức liên quan của Việt Nam và các doanh nghiệp thành viên của HĐKD Hoa Kỳ-ASEAN.

 

Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cho biết, trong hai năm qua, khi đại dịch COVID-19 tác động nặng nề đến ngành Du lịch, TCDL đã có nhiều cuộc làm việc, trao đổi với HĐKD Hoa Kỳ-ASEAN về thực trạng của ngành, các ưu tiên phục hồi sau đại dịch, đồng thời đề xuất hợp tác với các doanh nghiệp thành viên HĐKD Hoa Kỳ-ASEAN nhằm đóng góp vào công tác khôi phục ngành Du lịch. TCDL cũng đã xác định một số vấn đề và thách thức đặt ra khi Việt Nam mở cửa lại hoạt động du lịch; đồng thời, đưa ra một số giải pháp trọng tâm ưu tiên sẽ triển khai trong thời gian tới: Tăng cường liên kết, hợp tác liên ngành và liên vùng; phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cấp cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất du lịch; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch; đẩy mạnh hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp du lịch và phục hồi, phát triển nguồn nhân lực du lịch. Đại diện TCDL cũng chia sẻ thông tin về Hội nghị Triển khai mở của du lịch do Bộ VHTTDL và Bộ Ngoại giao tổ chức; tới đây TCDL cũng sẽ có công hàm gửi cơ quan ngoại giao các nước tại Việt Nam thông báo về chính sách mở cửa du lịch.

 

Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu mong muốn đại diện của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp có những chia sẻ thẳng thắn, đi vào trọng tâm; đưa ra những khuyến nghị thiết thực, cụ thể, tập trung vào các giải pháp về hợp tác quốc tế, hướng tới mục tiêu mở cửa ngành Du lịch một cách khẩn trương, đồng bộ và nhất quán. Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh: “Công tác phục hồi ngành Du lịch như trước đại dịch còn cần thời gian và nhiều nỗ lực từ tất cả các bên liên quan trong ngành. Hơn lúc nào hết, TCDL, Bộ VHTTDL rất cần sự hợp tác chặt chẽ của các cơ quan, Bộ, ngành liên quan, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước để triển khai chủ trương mở cửa lại an toàn, hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu mới của du khách và thích ứng với bối cảnh du lịch toàn cầu”.

 

 Hội thảo trực tuyến về Mở cửa lại hoạt động du lịch

Hội thảo trực tuyến về Mở cửa lại hoạt động du lịch
 

Hội thảo trực tuyến về Mở cửa lại hoạt động du lịch diễn ra với ba phiên thảo luận tương ứng với ba chủ đề Giao thông bền vững, Du lịch số và Xu hướng ngành Du lịch sau đại dịch. Nhiều ý kiến được chia sẻ tại Hội thảo giúp định hình bức tranh toàn cảnh du lịch Việt Nam hiện tại. Du lịch Việt Nam đã mở cửa lại toàn diện, cả nội địa, quốc tế cũng như đưa khách Việt Nam ra nước ngoài. Các địa phương, doanh nghiệp, hàng không đều chuẩn bị điều kiện tốt nhất để đón và phục vụ khách, đảm bảo “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Các ý kiến chia sẻ dự báo du lịch nghỉ dưỡng sẽ hồi phục nhanh nhất; đồng thời, đưa ra xu hướng phát triển du lịch thời gian tới sẽ tập trung vào các sản phẩm du lịch xanh, cao cấp, cá nhân hóa, đảm bảo an toàn. Đáng chú ý, đại diện IBM cho rằng nhiều khía cạnh du lịch đã được số hóa do đại dịch thúc đẩy, do đó cần phát triển các kỹ năng số, hệ sinh thái số. IBM cũng đề xuất giải pháp cung cấp chứng chỉ số liên thông các quốc gia, thông qua đó hỗ trợ định danh, chứng nhận y tế…; dễ tiếp cận, cung cấp cho du khách trải nghiệm đơn giản mà vẫn tuân thủ các quy tắc. Phó Chủ tịch thường trực HHDL Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, ứng phó dịch COVID-19 phải dài hơi hơn, bằng nhiều hoạt động hơn. Thị trường đã thay đổi nhiều sau dịch, các doanh nghiệp cũng phải tìm hiểu thị trường; nhân lực cũng phải đào tạo bổ sung. Ông Vũ Thế Bình cũng nhấn mạnh vấn đề chuyển đổi số là công cụ hồi phục ngành Du lịch, các doanh nghiệp phải đi vào chuyển đổi số để thích ứng.

 

Kết luận Hội thảo, Nguyên Đại sứ Michael Michalak – Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc điều hành khu vực HĐKD Hoa Kỳ-ASEAN cho biết, HĐKD Hoa Kỳ-ASEAN sẽ tiếp tục trao đổi với các cơ quan hữu quan cũng như Chính phủ Việt Nam về vấn đề mở cửa du lịch. HĐKD Hoa Kỳ-ASEAN luôn sẵn sàng hợp tác với Chính phủ các nước ASEAN và Việt Nam trong quá trình khôi phục và mở cửa lại du lịch ở Việt Nam.

 

Phân khúc du lịch nghỉ dưỡng sẽ hồi phục nhanh nhất. Khi mà tác động tiêu cực của dịch COVID-19 dần được kiểm soát, một số quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang giảm nhẹ các yêu cầu kiểm soát. Trong 2 tuần đầu tháng 3, Malaysia, Hàn Quốc, Indonesia đã mở cửa du lịch; Việt Nam cũng đã mở cửa từ ngày 15/3; Nhật Bản cũng cho biết sắp mở cửa trở lại, New Zealand cũng đang giảm nhẹ yêu cầu trong thời gian tới… Đó là những thông tin rất tuyệt vời bởi du khách đã xa cách bạn bè, người thân từ lâu, họ rất muốn đoàn tụ… Thị trường Việt Nam với chính sách mở cửa du lịch gần đây sẽ có sự hòa trộn du khách nghỉ dưỡng đến từ Hàn Quốc, Mỹ, Anh, Nhật Bản… VISA và HH Lữ hành châu Á – Thái Bình Dương vừa đưa ra dự đoán đích đến từng thị trường và khuyến nghị, đến 2024 du lịch Việt Nam sẽ khôi phục vượt qua mức trước khi ảnh hưởng đại dịch COVID-19, mức xấu nhất cũng khôi phục 71% so với trước đại dịch.

 

Có nhiều thay đổi trong hoạt động du lịch. Du khách đòi hỏi an toàn mới đi du lịch. Số hóa sẽ giúp nâng cao vấn đề an toàn. Yếu tố an toàn mới làm du khách lựa chọn sản phẩm du lịch. Du khách sẽ cân đo vấn đề đi du lịch dễ dàng, trải nghiệm thoải mái, các yêu cầu về xét nghiệm, cách ly. Và ưu tiên hàng đầu của du khách là bảo hiểm du lịch, bảo đảm cho họ trước phiền toái vì bị hủy chuyến bay, hủy du lịch, an ninh đi lại, bảo vệ tài sản…

 

David Fowler – Phó Chủ tịch Tập đoàn thanh toán VISA

 

 

Nguồn: Tạp chí Du lịch

Tin liên quan

WordPress Video Lightbox Plugin