Bảo tồn, phát huy giá trị di tích, danh thắng


Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh là một mục tiêu vô cùng quan trọng, đòi hỏi sự quan tâm của toàn xã hội, song quan trọng và quyết định nhất vẫn là vai trò của Nhà nước.

 

 

 

 

 

Chùa Hoa Yên ở Yên Tử. Ảnh: Phạm Học

 

Quảng Ninh hiện có trên 632 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó có 5 di tích quốc gia đặc biệt. Nhận thức rõ tầm quan trọng và giá trị của di tích, tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, đề ra những quyết sách thiết thực nhằm quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, danh thắng.

 

Từ đây, công tác tuyên truyền những chủ trương, nghị quyết của Đảng về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, cũng như các quy định của pháp luật về di sản văn hóa được đẩy mạnh, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cá nhân, tập thể đối với việc bảo vệ, gìn giữ các di tích, danh thắng. Công tác tu bổ, tôn tạo di tích, danh thắng tiếp tục thực hiện bài bản, đúng quy định. Nguồn kinh phí cho hoạt động này đã được tăng cường huy động xã hội hóa nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp từ nguồn kinh phí của Nhà nước, từ các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.

 

Trong năm 2021, Sở Văn hóa và Thể thao đã tham mưu cho tỉnh triển khai xây dựng Đề án “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2030” làm cơ sở, đề ra các giải pháp, mục tiêu cụ thể nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích, danh thắng trong toàn tỉnh.

 

Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Ảnh: Đỗ Giang

 

Một trong những hoạt động nổi bật của ngành VHTT tỉnh trong năm qua chính là việc tăng cường phối hợp, tập trung xây dựng, thực hiện các hồ sơ khoa học đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xếp hạng di tích các cấp, công nhận di sản văn hóa thế giới.

 

Cụ thể, ngành tiếp tục tham mưu cho tỉnh phối hợp với 2 tỉnh Hải Dương, Bắc Giang hoàn thiện các thủ tục xây dựng hồ sơ khoa học quần thể di tích, danh thắng Yên Tử trình UNESCO công nhận là di sản thế giới. Cùng với đó, tham mưu tổ chức họp hội đồng thẩm định, hội đồng xét duyệt xếp hạng 4 di tích cấp tỉnh đối với hang Hà Lùng (xã Sơn Dương) và địa điểm lưu niệm Công ty Pháp mỏ than Bắc kỳ tại TP Hạ Long; đình miếu Năm Mẫu (TP Uông Bí) và đình – miếu Tràng Y (huyện Đầm Hà).

 

Mới đây, Bộ VH,TT&DL ban hành Quyết định số 2973/QĐ-BVHTTDL xếp hạng là di tích cấp quốc gia đối với di tích lịch sử Hồ Mạch (phường Yên Hải, TX Quảng Yên). Đối với di tích Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô (huyện Cô Tô) và quần thể di tích thương cảng Vân Đồn (huyện Vân Đồn), tỉnh đã hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ VH,TT&DL trình Thủ tướng Chính phủ ra quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

 

Khu di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô. Ảnh: Phạm Học

 

Ngành Văn hóa – Thể thao cũng tiếp tục tham mưu cho tỉnh lấy ý kiến tham gia vào hồ sơ đề cử Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) – Quần đảo Cát Bà (TP Hải Phòng) trình Bộ VH,TT&DL xem xét đề nghị Thủ tướng Chính phủ gửi hồ sơ đến UNESCO ghi vào danh mục di sản thế giới; tham gia ý kiến dự thảo Kế hoạch quản lý di sản Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2040 và đề cương nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

 

Thực tế đã chứng minh, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích một cách nghiêm túc, đúng hướng, hiệu quả của tỉnh thời gian qua đã góp phần quan trọng nâng tầm giá trị di tích. Từ đây, đưa di tích trở thành nguồn tài nguyên quý cho phát triển du lịch văn hóa, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và nâng cao đời sống nhân dân.

 

 

Nguồn: Báo mới

Tin liên quan

WordPress Video Lightbox Plugin