6 nhiệm vụ trọng tâm giúp du lịch Việt Nam “cất cánh”


Tại Hội nghị phát động mở lại hoạt động du lịch: Việt Nam – Trải nghiệm trọn vẹn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh 6 nhiệm vụ trọng tâm ngành du lịch cần giải quyết.
 
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương

 

 

 

 

 

S

 

Sau hơn hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, ngày 15/3/2022, Việt Nam đã chính thức mở lại hoàn toàn các hoạt động du lịch, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. 

 

Trên cơ sở văn bản chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế, ngày 15/3/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành Phương án mở cửa lại hoạt động du lịch cả nội địa và quốc tế trong điều kiện bình thường mới. 

 

Đây là sự kiện được các địa phương, điểm đến và doanh nghiệp mong chờ, coi là cột mốc, cú hích cho du lịch Việt Nam mở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới hiệu quả và bền vững. 

 

Trên cơ sở đó, ngày 22/3, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh, với sự đồng hành của Tổng công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines, Tập đoàn Sun Group và Báo điện tử VnExpress tổ chức Hội nghị phát động mở lại hoạt động du lịch: Việt Nam – Trải nghiệm trọn vẹn tại Khách sạn Premier Village Hạ Long Bay resort, tỉnh Quảng Ninh.

 

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho biết, năm 2021, mặc dù tiếp tục bị tác động nặng nề của dịch Covid-19, chúng ta đón nhận sự hưởng ứng, vào cuộc rất chủ động, tích cực của các địa phương, điểm đến trọng điểm du lịch, các doanh nghiệp du lịch cùng triển khai các hoạt động tuyên truyền quảng bá, kích cầu du lịch từ nội tỉnh, nội địa đến thí điểm quốc tế đảm bảo “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. 

 

Năm 2021, cả nước đã phục vụ 40 triệu khách du lịch nội địa. Riêng Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế, từ tháng 11/2021 đến nay đã đón được trên 10.000 lượt khách. Triển vọng về mở cửa du lịch quốc tế bước đầu đã có những tín hiệu tích cực từ thị trường khi lượng khách quốc tế tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam từ đầu năm 2022 đang tăng mạnh.

 

“Hội nghị hôm nay có ý nghĩa rất quan trọng, để thảo luận việc chuẩn bị của toàn Ngành, của mỗi địa phương, doanh nghiệp; sự phối hợp, hợp tác giữa các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp mở lại hoạt động du lịch thực sự hiệu quả trong điều kiện bình thường mới; để thực sự du lịch Việt Nam bước vào giai đoạn phục hồi và tăng trưởng mới”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

 

Với tinh thần đó, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đề nghị ngành du lịch giải quyết hiệu quả 6 vấn đề liên quan nhằm nhanh chóng mở lại hoạt động du lịch, đẩy nhanh tốc độ phục hồi du lịch trong điều kiện bình thường mới.

 

Thứ nhất, khi mở cửa lại du lịch, Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt giữa các quốc gia và điểm đến trên toàn cầu đã có sự chuẩn bị sẵn sàng, hỗ trợ tốt về chính sách nhằm đẩy mạnh quảng bá xúc tiến, phục hồi, thu hút lại thị trường khách quốc tế ngay khi điều kiện cho phép. 

 

Do đó, cần có các biện pháp cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao sức hấp dẫn của điểm đến, nỗ lực để thực hiện mục tiêu thu hút trên 5 triệu lượt khách quốc tế năm 2022, tạo đà tăng trưởng cho những năm tiếp theo.

 

Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương triển khai các giải pháp vừa đảm bảo an toàn cho hoạt động du lịch, vừa đảm bảo cho sự thuận tiện của khách du lịch, nâng cao hiệu quả kết nối hàng không. 

 

Các địa phương chủ động các điều kiện mở cửa hoạt động du lịch theo hướng thống nhất, đồng bộ với các quy định, hướng dẫn của ngành y tế, du lịch; tăng cường liên kết phát triển sản phẩm và quảng bá xúc tiến du lịch. 

 

Thứ hai, sau 2 năm bị tàn phá bởi làn sóng dịch Covid-19, để mở cửa hiệu quả, các doanh nghiệp cần phối hợp để làm mới các sản phẩm hiện có, cần bổ sung thêm những sản phẩm mới, phù hợp với nhu cầu của khách đã thay đổi do Covid-19; chuẩn bị nguồn nhân lực và các chính sách kích cầu thu hút khách du lịch; nghiên cứu, triển khai các mô hình, kênh bán hàng phù hợp với nhu cầu mới của thị trường.

 

Thứ ba, Khôi phục các đường bay, tần suất khai thác đối với các chuyến bay quốc tế; mở thêm các đường bay mới đến Việt Nam từ các thị trường khách trọng điểm và tiềm năng. Tăng cường sự hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch và các hãng hàng không, điểm đến xây dựng các chương trình du lịch trọn gói, có chất lượng, ưu đãi nhằm kích cầu du lịch; thông tin, tuyên truyền kịp thời, đầy đủ các quy định về xuất nhập cảnh và kiểm soát y tế, đảm bảo an toàn phòng chống dịch cho hành khách. 

 

Thứ tư, tập trung xây dựng, phát triển và quảng bá các loại hình du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm, du lịch thể thao, du lịch chăm sóc sức khỏe… 

 

Trước mắt tập trung các thị trường có khả năng phục hồi nhanh, mạnh, bền vững như khách châu Âu (Đức, Tây Ban Nha, Anh, Pháp), Úc, Mỹ, Ấn Độ, Trung Đông; thị trường gần khu vực Đông Nam Á, Hàn Quốc và Nhật Bản. Tổ chức các hoạt động truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch; tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; các hãng truyền thông quốc tế; các hội chợ du lịch quốc tế; các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam ở nước ngoài; các hoạt động, sự kiện trong khuôn khổ Năm Du lịch Quốc gia tại Quảng Nam; các sự kiện quốc tế lớn tổ chức tại Việt Nam như SEAGames 31.

 

Thứ năm, liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch, hàng không, điểm đến là yêu cầu, đòi hỏi có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong mở cửa lại hoạt động du lịch nói riêng và trong nâng cao khả năng cạnh tranh, sức hấp dẫn của điểm đến nói chung. 

 

Các địa phương liên kết, thống nhất các quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách, quản lý và trao đổi khách du lịch trong tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát; xây dựng và công bố các điểm đến an toàn, tăng cường quảng bá xúc tiến. 

 

Các doanh nghiệp du lịch phối hợp với các hãng hàng không, doanh nghiệp vận tải hành khách, các bên cung ứng dịch vụ thành lập liên minh kích cầu du lịch, đảm bảo chuỗi cung ứng có chất lượng. 

 

Thứ sáu, cần có các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh hiệu quả trong hoạt động du lịch.

 

Trong khuôn khổ sự kiện, ngoài Hội nghị phát động “Mở lại hoạt động du lịch: Việt Nam – Trải nghiệm trọn vẹn” còn diễn ra nhiều hoạt động quan trọng khác như chương trình giới thiệu sản phẩm du lịch, sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh và các địa phương; ký kết hợp tác chiến lược… 

 

Thời gian tới, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ chủ trì, tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương đảm bảo an toàn cho hoạt động du lịch, tạo điều kiện thuận lợi kết nối hàng không, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh điểm đến Việt Nam nhằm hoàn thành vượt mức mục tiêu thu hút trên 5 triệu lượt khách quốc tế, 60 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 400.000 tỷ đồng trong năm 2022.

 

 

Nguồn: baodautu.vn

Tin liên quan

WordPress Video Lightbox Plugin