Trái tim cách mạng, kẻ thù khiếp vía và sự đổi thay ngoạn mục!


46 năm sau chiến tranh, từ huyện biên giới nghèo, Tân Biên – Căn cứ ‘R’ trái tim của Cách mạng từng làm kẻ thù khiếp vía, nay không ngừng thay da đổi thịt…

 

 

Về thăm “Thủ đô kháng chiến” Tân Biên (Tây Ninh) vào những ngày tháng Tư lịch sử, hòa cùng không khí cả nước đang tưng bừng kỷ niệm 46 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Tân Biên cũng nhộn nhịp hơn hẳn. Từ vùng đất bị chiến tranh tàn phá nặng nề, qua bàn tay kiến thiết của Đảng, nhà nước, chính quyền và nhân dân địa phương, Tân Biên nay đã khoác màu áo mới.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, làm việc và thắp hương tại khu di tích căn cứ Trung ương Cục. Ảnh: BQL KDT.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, làm việc và thắp hương tại khu di tích căn cứ Trung ương Cục. Ảnh: BQL KDT.

 

Căn cứ Trung ương Cục miền Nam và nỗi khiếp đảm của kẻ thù!

 

Nhắc đến Tân Biên thì không thể bỏ qua khu Căn cứ Trung ương Cục miền Nam bởi nơi đây được mệnh danh là “Thủ đô kháng chiến”. Căn cứ Trung ương Cục chẳng những đã đem lại niềm tự hào, kiêu hãnh cho nhân dân ta mà còn gây ra sự khiếp đảm cho kẻ thù.

 

Lãnh đạo Trung ương Cục bàn phương án tác chiến. Ảnh: BQL KDT.

Lãnh đạo Trung ương Cục bàn phương án tác chiến. Ảnh: BQL KDT.

 

Đưa chúng tôi đi dọc theo tất cả các lối mòn, các di tích lịch sử trong khu di tích , ông Trần Văn Hiếu, Phó Ban quản lý Khu di tích căn cứ Trung ương Cục miền Nam cho biết: Thời kỳ đầu căn cứ đóng tại Suối Nhung, Mã Đà chiến khu Đ, tỉnh Đồng Nai. Sau một thời gian sống và chiến đấu ở căn cứ, lãnh đạo Trung ương Cục xét thấy căn cứ ở chiến khu Đ có địa hình núi rừng hiểm trở rất an toàn, dễ tiếp nhận chi viện nhưng không thuận lợi cho việc chỉ đạo phong trào đấu tranh ở Sài Gòn và các vùng nông thôn Nam bộ.

 

Người dân Tân Biên đào hầm trú ẩn góp sức xây dựng căn cứ Trung ương Cục. Ảnh: BQL KDT.

Người dân Tân Biên đào hầm trú ẩn góp sức xây dựng căn cứ Trung ương Cục. Ảnh: BQL KDT.

 

Mặt khác, việc ăn ở và tiếp tế để đảm bảo đời sống và sức khỏe cán bộ ở đây gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, từ giữa năm 1962, Trung ương Cục quyết định chuyển căn cứ về vùng bắc Tây Ninh. Ở đây, có địa hình tương đối bằng phẳng, khí hậu và thời tiết ít gay gắt khắc nghiệt, đặc biệt vừa giải quyết được vấn đề lương thực, thực phẩm, vừa thuận lợi cho việc lãnh đạo phong trào đấu tranh chính trị và quân sự trên cả vùng Nam bộ.

 

Người dân Tân Biên đồng lòng chống giặc. Ảnh: BQL KDT.

Người dân Tân Biên đồng lòng chống giặc. Ảnh: BQL KDT.

 

Trong giai đoạn từ năm 1962 đến 1966 là thời kỳ xây dựng và củng cố căn cứ. Theo đó, tận dụng các phương tiện và vật liệu có sẵn, lực lượng cách mạng ta xây dựng các gian nhà làm việc cho lãnh đạo và các hầm trú ẩn chìm trong lòng đất (hầm chỉ huy, hầm thông tin…). Các loại hầm mặt bằng được xây dựng theo kiểu hầm chữ A (kiểu hầm Triều Tiên), được làm khá rộng để tiện sinh hoạt khi bị bom pháo.

 

Ngoài ra, xung quanh căn cứ được bố trí hai lớp hàng rào cây bảo vệ xen kẽ… Các hàng rào này che chắn rất tốt cho căn cứ nhưng vẫn đảm bảo được yếu tố bí mật. Từ máy bay nhìn xuống, toàn bộ cánh rừng vẫn xanh tươi như lúc chưa xây dựng căn cứ. Đồng thời, các cụm từ “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” và “không có tiếng gà gáy, không tiếng khóc trẻ em, không lọt ánh sáng đèn ban đêm”… đều trở thành hiệu lệnh nghiêm khắc của căn cứ lúc bấy giờ.

 

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, làm việc tại khu di tích căn cứ Trung ương Cục. Ảnh: BQL KDT.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, làm việc tại khu di tích căn cứ Trung ương Cục. Ảnh: BQL KDT.

 

Đầu năm 1967, Mỹ mở cuộc hành quân lớn nhất trong chiến tranh Việt Nam đánh vào căn cứ bắc Tây Ninh. Cuộc hành quân then chốt mang tên Junction City (từ 22/2 đến 15/4/1967) do tướng ba sao Jonathan O. Seaman thuộc Bộ Tư lệnh dã chiến 2 chỉ huy nhằm mục đích tiêu diệt “cho bằng được” lực lượng chủ lực của ta.

 

Với âm mưu “tìm diệt” căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Bộ Chỉ huy Miền, Đài phát thanh Giải phóng… Mỹ huy động 45.000 quân, gồm 22 tiểu đoàn Mỹ, ba tiểu toàn ngụy và phương tiện chiến tranh gồm: 1.200 xe tăng – thiết giáp, 256 khẩu pháo, 300 máy bay trực thăng, ba phi đoàn máy bay vận tải,…

 

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, làm việc tại khu di tích căn cứ Trung ương Cục. Ảnh: BQL KDT.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, làm việc tại khu di tích căn cứ Trung ương Cục. Ảnh: BQL KDT.

 

Sau 53 ngày đêm, cuộc hành quân trên bộ lớn nhất của Mỹ không đạt được mục tiêu nào đề ra, bị loại gần một phần tư số quân trực tiếp tham chiến, mất một phần ba số tăng – thiết giáp, gần phân nửa số trực thăng và pháo. Riêng lực lượng tại chỗ diệt 6.600 tên, 685 tăng – thiết giáp, 118 máy bay, ba khẩu pháo… Bị thất bại trên hướng quyết định, quân Mỹ từ phản công chiến lược lâm vào thế phòng ngự bị động trên toàn chiến trường.

 

Di tích quốc gia đặc biệt, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng. Ảnh: BQL KDT.

Di tích quốc gia đặc biệt, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng. Ảnh: BQL KDT.

 

Để phục hận, Năm 1969, Mỹ dùng không quân tập trung ném bom, rải chất độc hóa học dọc theo biên giới. Trước tình hình trên, căn cứ Trung ương Cục chuyển về vùng Móc Câu. Đến cuối năm 1971, sau khi có sự thỏa thuận với cách mạng Campuchia, căn cứ Trung ương Cục chuyển sang Phum Tộ (Campuchia).

 

Đầu năm 1973, sau khi quân giải phóng miền Nam giành thắng lợi trong chiến dịch Nguyễn Huệ, căn cứ Trung ương Cục chuyển về Rùm Đuôn, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh (căn cứ được phục chế hiện nay).

 

Di tích quốc gia đặc biệt, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng. Ảnh: BQL KDT.

Di tích quốc gia đặc biệt, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng. Ảnh: BQL KDT.

 

Theo thống kê, từ năm 1961 đến 1975, Trung ương Cục miền Nam di chuyển nhiều nơi khoảng trên ba mươi lần, có tháng di chuyển hai, ba lần. Vì khi ta thành lập căn cứ chính thì có lập thêm khoảng hai, ba căn cứ dự phòng.

 

Trong 15 năm (1961 – 1975), Trung ương Cục miền Nam đã tiến hành 15 lần Đại hội toàn thể và ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết… dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trung ương Cục miền Nam đã hoàn thành công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khẳng định đường lối đúng đắn, sáng suốt của Đảng.

 

Đấu tranh chống chế độ diệt chủng Pol Pot  

 

Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, tình hình trên tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia nảy sinh những diễn biến phức tạp, cách mạng chuyển sang giai đoạn mới. Theo đó, từ tháng 5 đến tháng 12/1975, Pol Pot đã gây ra 17 cuộc xung đột vũ trang qua biên giới Tây Ninh ở các điểm Lò Gò, Tà Nông, Chàng Riệc.

 

Đêm  24 rạng 25/9/1977, chúng dùng một lực lượng tương đối lớn gồm Sư đoàn 3, 4, Trung đoàn 306 đặc nhiệm và quân địa phương vùng 20, 21, 23 đồng loạt tấn công một số khu vực thuộc hai huyện Tân Biên, Bến Cầu. Chúng  tàn sát, đốt phá, cướp bóc dã man. Riêng ở xã Tân Lập, huyện Tân Biên, quân phản động Pon Pot – Iêng Xary đã sát hại 506 người, làm 135 người bị thương, trong đó có 20 gia đình bị giết hại hoàn toàn.

 

Nguyên Bí thư Huyện ủy Tân Biên Nguyễn Văn Sáu kể lại lịch sử. Ảnh: Trần Trung.

Nguyên Bí thư Huyện ủy Tân Biên Nguyễn Văn Sáu kể lại lịch sử. Ảnh: Trần Trung.

 

Cho đến tận bây giờ, ký ức về đêm 24 rạng sáng 25/9/1977 đối với người dân xã Tân Lập vẫn chưa hết ám ảnh. Kể từ đó đến nay, hằng năm, ngày này trở thành ngày giỗ chung của xã Tân Lập.

 

Ông Nguyễn Văn Mạnh (ngoài 70 tuổi), nguyên là cán bộ thống kê xã Tân Lập giai đoạn 1972-1990 nhớ lại: “Khắp nơi đều là người chết. Nhiều  căn hầm trú ẩn 16, 17 người bị chúng  ném lựu đạn giết sạch, hơn 200 căn nhà bị đốt phá. Như ấp Bảy Bàu, cả ấp có khoảng hơn 100 người thì có tới 94 người  bị giết hại; 11 nữ giáo viên Trường tiểu học Tân Thành bị chúng hãm hiếp, sát hại, vứt xác xuống  giếng… Bầu không khí tang thương bao trùm cả xã sau đêm ấy”.

 

Theo ông Mạnh, từ cuối năm 1978 đầu 1979, người già, trẻ em, phụ nữ ở khu vực biên giới nhanh chóng được sơ tán vào trong nội địa.

 

Riêng tại xã Tân Lập, xã trọng điểm bị tấn công, nhiều người dân địa phương vẫn quyết tâm ở lại bám đất, giữ làng, phối hợp cùng các lực lượng ta ngày đêm đào đắp công sự, cắm chông, xây dựng hàng chục km tuyến phòng thủ biên giới, kịp thời ngăn chặn các đợt tấn công, góp phần chiến thắng quân đội phản động Pol Pot – Iêng Xary, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

 

Năm 1979, chiến tranh biên giới Tây Nam kết thúc, huyện Tân Biên bắt tay ngay vào công cuộc xây dựng và phát triển với nhiều hậu quả nặng nề.

 

Trong ký ức của lão thành cách mạng, Nguyên Bí thư Huyện ủy Tân Biên (giai đoạn 1983 – 1989) Nguyễn Văn Sáu (Sáu Dò) vẫn nhớ như in những ngày hòa bình lập lại, ở Tân Biên chỗ nào cũng có hố bom, nhiều bãi mìn chưa được gỡ bỏ tiếp tục gây thương vong cho người, gia súc.

 

Từ phương tiện, công cụ sản xuất cho đến lương thực thực phẩm đều thiếu thốn nghiêm trọng, đường sá chủ yếu là đất để phục vụ chiến tranh, không được duy tu sửa chữa, làng xóm chỉ có những mái nhà tranh nghèo xơ xác, thưa thớt bóng người; trường học, trạm y tế sơ sài; các cơ quan nhà nước, huyện ủy chỉ là những nhà mái tranh, len lỏi trong rừng, với vài bộ bàn ghế đơn sơ để làm việc…

 

Người dân Tân Biên thu gom bom mìn sót lại sau chiến tranh để khai hoang mở đất. Ảnh: Tư liệu.

Người dân Tân Biên thu gom bom mìn sót lại sau chiến tranh để khai hoang mở đất. Ảnh: Tư liệu.

 

“Dạo ấy, có việc phải đi ra đường ai cũng phải có chiếc khăn rằn quấn che kín mặt, chỉ để hở đôi mắt, để vừa che nắng, vừa che bụi. Khổ nhất là tìm chỗ nghỉ chân.

 

Có khi đi bộ cả quãng đường dài mới gặp được một cái quán nhỏ lèo tèo mấy thứ hàng hóa lặt vặt như gói mì tôm ăn liền, gói trà củ măng, gói bột ngọt, ít cá khô, chai mắm nêm… Chỉ một vài nơi có dân cư tập trung mới có những hiệu tạp hóa, tiệm hủ tiếu, quán cơm bình dân.

 

Đất đai ở Tân Biên rất rộng lớn và màu mỡ, nhưng phần lớn bỏ hoang do chiến tranh ác liệt, người dân phải bỏ đi nơi khác sinh sống”, ông Sáu chia sẻ.

 

Cũng theo ông Sáu, Tân Biên chỉ thực sự phát triển kinh tế – xã hội từ năm 1980. Theo đó, trong 10 năm đầu sau giải phóng, huyện khôi phục kinh tế, đến đầu những năm 1990, cuộc sống người dân Tân Biên mới tạm ổn định. Diện tích trồng cao su, mì, mía dần tăng lên, hộ trồng ít thì 3 – 5ha, hộ trồng nhiều lên tới hàng trăm ha.

 

Đường giao thông, trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc của các cơ quan được xây dựng lại. Năm  1990, 50% hộ dân Tân Biên đã có nhà mái tôn, mái thiếc thay cho nhà tranh vách đất trước đây; số hộ phải cấp phát gạo cứu đói giảm dần, tiến tới không còn hộ nào phải cứu đói.

 

“Đảng bộ huyện Tân Biên đã trải qua 10 nhiệm kỳ Đại hội. Mỗi nhiệm kỳ Đại hội, Đảng bộ đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu thích hợp để có thể khai thác tốt nhất tiềm năng, thế mạnh của địa phương phát triển kinh tế, xã hội, chăm lo đời sống nhân dân”, ông Sáu chia sẻ.

 

“Thay da, đổi thịt”

 

Ngày nay, những di chứng của chiến tranh dần dần đã biến mất trên mảnh đất Tân Biên. Ông Sáu Dò cho biết: Tân Biên đang thay đổi từng ngày. Những con đường rộng thênh thang được trải nhựa thẳng tắp nối liền các xã, hai bên đường là những khu dân cư sầm uất.

 

Nhà cửa, khu thương mại, trường học, bệnh viện… được xây dựng kiên cố và khang trang. Những cánh đồng loang lổ hố bom, hoang hóa đầy cỏ tranh, lau sậy năm nào đã được thay thế bằng những cánh đồng mía, khoai mì, vườn cây ăn quả và những vườn cây cao su bạt ngàn, xanh tốt.

 

Sinh ra và lớn lên tại vùng biên giới Tân Biên, từ ông nội đến bố tham gia kháng chiến, hơn ai hết, anh Nguyễn Văn Trường, ấp Tân Đông 1, xã Tân Lập đã chứng kiến từng giai đoạn và sự đổi thay của vùng đất này. Từ hai bàn tay trắng, nhờ ý chí kiên cường, tư duy sản xuất nhạy bén, đến nay gia đình anh Trường đã sở hữu hơn 40 ha canh tác mít thái siêu sớm đem lại thu nhập hàng tỷ đồng/năm và giải quyết việc làm cho hàng chục lao động nhàn rỗi tại địa phương.

 

Đứng bên cạnh cây cao su từ ngày khai hoang, mở đất còn sót lại, anh Trường bồi hồi nhớ lại, thời điểm đó, đất đai còn bom mìn nhiều, thời gian đầu, chủ yếu bà con thu gom bằng phương pháp thủ công, không ít người dẫm phải bom mìn nên chuyện mất tay, chân là chuyện xảy ra như cơm bữa, thậm chí có người phải bỏ mạng. Do chỉ thu gom được phần đất mặt nên bà con chủ yếu trồng các loại cây lương thực như bắp và lúa để chống đói. Sau này, phương tiện cơ giới hóa ra đời, thấy nhà nước trồng cây cao su, nhiều hộ dân cũng chuyển sang cây “vàng trắng” này.

 

Anh Nguyễn Văn Trường phấn khởi bên vườn mít đem lại tiền tỷ mỗi năm. Ảnh: Trần Trung.

Anh Nguyễn Văn Trường phấn khởi bên vườn mít đem lại tiền tỷ mỗi năm. Ảnh: Trần Trung.

 

Trao đổi với PV Báo NNVN, Bí thư Huyện ủy Tân Biên Thành Từ Dũ cho biết thêm, phát huy truyền thống cách mạng với bản chất cần cù, chịu thương, chịu khó, từ một huyện biên giới xa xôi, chiến tranh tàn phá nặng nề, kinh tế thuần nông, thường xuyên thiếu đói, đến nay, kinh tế của huyện hàng năm tăng trưởng khá toàn diện và đồng bộ.

 

Đường làng ngõ xóm được nhựa hóa và bê tông hóa xanh sạch đẹp nhờ NTM. Ảnh: Trần Trung.

Đường làng ngõ xóm được nhựa hóa và bê tông hóa xanh sạch đẹp nhờ NTM. Ảnh: Trần Trung.

 

Theo đó, tốc độ tăng trưởng bình quân của Tân Biên hàng năm đạt 12,65%. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, có tới 97,5% các tuyến đường huyện được nhựa hóa; tuyến đường xã có 60% nhựa hóa, 8% bê tông hóa và 20% phối sỏi đỏ thay thế cho con đường đất trong từng ngõ xóm. Những con đường nhựa dài, liên xã được nâng cấp sửa chữa và hoàn thành tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa nông sản, giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội.

 

Quốc lộ 22B được nâng cấp mở rộng. Ảnh: Trần Trung.

Quốc lộ 22B được nâng cấp mở rộng. Ảnh: Trần Trung.

 

Đặc biệt, nhờ hệ thông kênh mương thủy lợi được kiên cố hóa bảo đảm cung cấp đủ nước tưới phục vụ sản xuất và ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp nên năng suất, chất lượng nông sản được nâng lên, đáp ứng với yêu cầu của thị trường. Từng bước hình thành các cánh đồng lớn, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác được nâng lên. Nhiều trang trại quy mô lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học vào chăn nuôi được triển khai, tỷ trọng chăn nuôi trong giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm 22,48%…

 

Trường học được đầu tư khang trang. Ảnh: Trần Trung.

Trường học được đầu tư khang trang. Ảnh: Trần Trung.

 

“Không chỉ vậy, điều đáng tự hào của người dân sinh sống trên mảnh đất này là nơi toạ lạc khu di tích Căn cứ Trung ương cục Miền Nam được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho các thế hệ trẻ”, Bí thư Huyện ủy Tân Biên Thành Từ Dũ vui mừng chia sẻ.

 

Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát được công nhận là Vườn Di sản ASEAN. Ảnh: Trần Trung.

Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát được công nhận là Vườn Di sản ASEAN. Ảnh: Trần Trung.

 

Bí thư Huyện ủy Tân Biên Thành Từ Dũ

“Mục tiêu của huyện là xây dựng Tân Biên đạt chuẩn huyện nông thôn mới trong nhiệm kỳ 2020-2025. Trước mắt từ năm 2021, huyện phấn đấu sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở 3 xã còn lại là Thạnh Bắc, Trà Vong và Thạnh Tây (huyện đã có 6/9 xã nông thôn mới) và xây dựng thị trấn Tân Biên trở thành đô thị văn minh.

Huyện khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động mậu dịch biên giới tại hai cửa khẩu quốc tế Xa Mát và Tân Nam cùng bốn cặp cửa khẩu phụ, nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong thay đổi cơ cấu kinh tế, tăng cường lưu thông hàng hóa qua biên giới Việt Nam – Campuchia”.

Tin liên quan

WordPress Video Lightbox Plugin