TÒA THÁNH CAO ĐÀI TÂY NINH – ĐỊA ĐIỂM DU LỊCH TÂM LINH THU HÚT HÀNG NGHÌN TÍN ĐỒ TRÊN THẾ GIỚI


Một trong những điểm du lịch nổi tiếng tại Tây Ninh là Tòa Thánh Cao Đài, cơ sở thờ phụng của một tôn giáo có xuất xứ ngay trong nước với nét kiến trúc riêng, độc đáo trong khuôn viên rộng 1,2 km, là một công trình tôn giáo – nghệ thuật hoành tráng mang dáng vẻ huyền bí của phương Đông.

 

Tòa Thánh Tây Ninh được khởi công xây dựng vào năm 1933 và chính thức khánh thành vào năm 1955, là công trình tôn giáo đặc biệt của đạo Cao Đài, tọa lạc tại huyện Hòa Thành, cách thành phố Tây Ninh khoảng 4km. Đạo Cao Đài được sáng lập cuối năm 1926 tại đây. Trải qua nhiều sóng gió biến động trong suốt hơn 3/4 thế kỷ, Tòa Thánh Tây Ninh trở thành điểm hành hương của khoảng 5 triệu tín đồ ở khắp thế giới và là điểm tham quan du lịch tâm linh tại Việt Nam hấp dẫn đối với nhiều du khách quốc tế.

 

Ấn tượng đầu tiên đối với du khách khi đến đây là hình Thiên Nhãn ở ngay mặt trước của Tòa Thánh – một con mắt tỏa hào quang, biểu tượng thiêng liêng của đạo Cao Đài. Khuôn viên tòa thánh rộng hơn một 1km2 với những con đường thênh thang liên kết các kiến trúc với nhau. Với thiết kế kiến trúc độc đáo, Tòa Thánh Tây Ninh có kết hợp giữa quan điểm triết học Đông – Tây, thể hiện sự tổng hợp của nhiều yếu tố tâm linh một cách dung hòa. Rất nhiều tạp chí kiến trúc nước ngoài đã viết bài giới thiệu và ca ngợi công trình Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh.

 

Biểu tượng của đạo Cao Đài là hình một con mắt nằm trong hình tam giác, tượng trưng cho Thượng đế. Ngoài ra, đạo còn thờ các vị như Phật Thích Ca, chúa Jesus, Khổng Tử, Lão Tử, Phật Bà Quan Âm…. Hình ảnh Thiên nhãn này được khắc họa nhiều nơi quanh Tòa thánh, nhất là cửa chính. Lối vào Tòa thánh gồm 12 cổng đều được chạm khắc hình Tứ linh (long, lân, quy, phụng) và hoa sen. Trong đó, chánh môn là cửa lớn nhất với cách trang trí khác biệt mang hình lưỡng long tranh châu. Nhìn chung, trừ cổng Chánh môn ra, thì có thể phân ra hai loại cổng của Toà thánh Cao Đài.

 

Loại có mái và loại không có mái. Dù loại nào, thì cấu trúc mặt bằng cũng khá giống nhau, theo kiểu tam quan ở các đình, chùa truyền thống Bắc và Trung bộ. Nghĩa là, bao giờ cũng có 4 trụ xây, chia ra thành 3 lối ra vào.

 

Hai trụ giữa lớn và cao hơn, cách khoảng rộng hơn 6 mét làm cổng chính. Hai bên là cổng phụ rộng chỉ khoảng hai mét rưỡi, vừa đủ cho một xe hơi khéo léo đi vào. Loại không có mái che được xây sớm nhất là cổng số 2 có cấu trúc và trang trí cực kỳ đơn giản. Đây chính là chiếc cổng đầu tiên, được xây từ năm 1926 (theo con số khắc trên đỉnh cổng) nhưng có lẽ chính xác phải là năm 1927, năm mà các chức sắc đạo đã mua được phần đất làm thánh địa, từ ông quan Kiểm lâm người Pháp. Trên nóc chính giữa, nơi cao nhất có tượng Tam bửu, gồm ba món đồ tượng trưng cho 3 tôn giáo chính: ở giữa có bình Bát vu, tượng trưng cho Phật giáo; bên phải (nhìn từ ngoài vào) là cây phất chủ, tượng trưng cho đạo Lão, còn bên trái là cuốn kinh Xuân Thu của Khổng Tử, tượng trưng Nho giáo. Ba tôn giáo nói trên chính là nền tảng của giáo lý Cao Đài, theo quan niệm “Tam giáo đồng quy”.

 

Phía bên trong Tòa Thánh có kiến trúc vô cùng độc đáo. Hai hàng cột phía trong tòa được trạm trổ hình rồng với nhiều màu sắc rực rỡ. Nền tòa thánh có 9 cấp được gọi là “Cửu phẩm thần tiên”, mỗi cấp tương đương với một phẩm cấp. Ở giữa có quả cầu lớn tượng trưng cho vũ trụ với Thiên Nhãn nằm phía trước.

 

Du khách tham quan thường chọn giờ Tòa thánh có hành lễ, khoảng 12h trưa để được nhìn thấy cách hành lễ trang nghiêm và đẹp mắt của đạo hữu tôn giáo Cao Đài. Bên trong tòa thánh có hai hàng cột rồng, sơn xanh, đỏ, trắng. Trên trần nhà là 9 khoảng trời mây và sao. Trong khuôn viên Tòa Thánh Cao Đài có gần 100 công trình kiến trúc lớn nhỏ khác nhau, được xây bằng bê tông.

 

Lưu ý nhỏ khi du khách vào thăm bên trong Tòa thánh, phải bỏ giày dép bên ngoài (có người trông coi) chỉ chụp cảnh vật và không được chụp hình người lấy phông nền là Thiên nhãn. Bạn cũng có thể xin phép người quản lý ở đó để được lên tầng trên chụp toàn cảnh của Tòa thánh.

Khu chính điện thờ Thiên Nhãn nằm trên quả càn khôn có 3.027 ngôi sao (tượng trưng cho 3.072 vì tinh tú). Khách không được vào chính giữa tham quan, chụp hình mà chỉ nhìn chính điện từ hai bên.

 

Tín đồ theo Cao Đài có truyền thống bảo tồn những cái điều mà các bậc tiền nhân tạo dựng. Là thánh địa lớn nhất của tôn giáo Cao Đài, hàng năm Tòa Thánh Tây Ninh thu hút hàng triệu lượt du khách tham quan và các tín đồ hành hương. Vào buổi chiều, nơi đây trở thành điểm thư giãn, dạo mát của người dân trong vùng. Người dân Tây Ninh xem Tòa Thánh Cao Đài là niềm tự hào của địa phương.

.

 

 

(Nguồn: dulichvietnam)

Tin liên quan

WordPress Video Lightbox Plugin