Thủ tướng: ‘Không để dịch bùng phát nặng nề ở Việt Nam’


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quán triệt sắp tới phải làm quyết liệt hơn nữa, để trong 15-20 ngày hoặc có thể 1 tháng tới, không để dịch bùng phát nặng nề ở Việt Nam.

 

Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 chiều 1/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Chính phủ đã chỉ đạo chủ động, kịp thời, quyết liệt, có đối sách đúng trong phòng chống dịch Covid-19.

 

Dẫn lại kết quả cuộc khảo sát do tổ chức Dalia Research (Berlin, Đức) tiến hành tại 45 quốc gia và vùng lãnh thổ, Thủ tướng cho biết Việt Nam có tỷ lệ người dân tin tưởng vào các biện pháp ứng phó dịch bệnh Covid-19 của Chính phủ cao nhất thế giới (62%).

 

Kinh tế muốn phát triển phải trên cơ sở bảo vệ sức khoẻ nhân dân

 

Thủ tướng quán triệt sắp tới phải làm quyết liệt hơn nữa, để trong 15-20 ngày hoặc có thể 1 tháng tới, không để dịch bùng nổ nặng nề ở Việt Nam. Muốn như vậy, cả hệ thống chính trị phải đoàn kết, muôn người như một.

 

Nhắc lại chủ trương cách ly trong xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh đây không phải là chuyện “ngăn sông, cấm chợ”, không phải cấm giao thông, dừng các công trình xây dựng quan trọng, mà là bảo đảm an toàn cho người dân.

 

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận.

 

Thủ tướng cũng nêu rõ tinh thần chống dịch là tiếp tục “khóa chặt bên ngoài”, kiên quyết khoanh các ổ dịch bên trong, phát hiện rốt ráo, tìm dấu vết, cách ly nghiêm túc, đồng thời phải điều trị tốt, hạn chế tử vong.
 

Đánh giá tình hình kinh tế – xã hội tháng 3 và quý I/2020, Thủ tướng cho rằng tăng trưởng đạt 3,82% là một cố gắng trong bối cảnh nhiều nước tăng trưởng âm hoặc bằng không.

 

Tuy khó khăn chồng chất nhưng Việt Nam kiên trì, quyết liệt hơn, phấn đấu bảo đảm nền kinh tế không bị đổ gãy, với mức tăng trưởng cần thiết để giải quyết việc làm, bảo đảm các cân đối lớn.

 

Bên cạnh đó, Thủ tướng lưu ý phải quan tâm đến gói hỗ trợ an sinh cho những người lao động mất việc, người nghèo, người yếu thế.

 

Theo người đứng đầu Chính phủ, nếu dịch bùng phát thì công tác bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của nhân dân là quan trọng chứ không phải sản xuất và kinh tế.

 

“Tôi đã nói chúng ta hy sinh quyền lợi kinh tế trong ngắn hạn để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của nhân dân. Kinh tế muốn phát triển phải trên cơ sở bảo vệ sức khoẻ nhân dân, không phải vì kinh tế mà chúng ta bất chấp những vấn đề về tính mạng, sức khoẻ của nhân dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.

 

Nhiều gói hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng dịch

 

Về gói hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng nêu rõ Chính phủ thống nhất cao dự thảo Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.

 

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan rà soát kỹ, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình Thủ tướng ký ban hành theo thẩm quyển.

 

 

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3.

 

Thủ tướng nhắc lại nguyên tắc: hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất việc làm, không bảo đảm mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch; Không hỗ trợ dàn trải mọi đối tượng; Người lao động, doanh nghiệp và Chính phủ cùng chia sẻ khó khăn, trong đó Chính phủ hỗ trợ một phần với mức phù hợp trong khả năng, nguồn lực; Việc hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.
 

Về nội dung hỗ trợ, Thủ tướng đề nghị tính toán việc hỗ trợ 6 nhóm đối tượng trong 3 tháng với các mức nêu trong dự thảo Nghị quyết chặt chẽ hơn nhưng phải đúng các nguyên tắc hỗ trợ.

 

Nêu rõ vai trò của doanh nghiệp trong việc hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng đề cập đến việc giảm giá điện, nước, dịch vụ Internet, viễn thông, giảm ít nhất việc thải hồi người lao động.

 

Thủ tướng hoan nghênh việc Bộ Công Thương, EVN giảm giá điện 10% với tổng số tiền khoảng 11.000 tỷ đồng. Tổng giá trị của gói hỗ trợ giá dịch vụ viễn thông vào khoảng 15.000 tỷ đồng.

 

(Nguồn: Zing.vn)

Tin liên quan

WordPress Video Lightbox Plugin