Tây Ninh kết nối các điểm đến văn hóa với du lịch


Trong những ngày cuối tháng 12-2016, Sở VH-TT-DL Tây Ninh đã tổ chức đoàn khảo sát các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, văn hóa làng nghề và di tích lịch sử cách mạng của Tây Ninh với quyết tâm phát huy biến những nguồn lực tại chỗ này vào việc tạo thêm sản phẩm du lịch, thu hút khách đến với xứ Trảng.

Ngoài Phòng Quản lý du lịch, Phòng Quản lý di sản, Bộ phận Xúc tiến du lịch (đều thuộc Sở VH-TT-DL còn có đại diện các Sở Công thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã, Công ty cổ phần Du lịch – Thương mại Tây Ninh, đại diện một số doanh nghiệp dịch vụ du lịch, lữ hành hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Ở huyện Hòa Thành, đoàn đã khảo sát làng văn hóa dân tộc Khmer Bàu Ếch, xem múa trống Chhay-dăm, nghe đờn ca tài tử, tham quan làng nghề truyền thống mây tre lá. Ở huyện Trảng Bàng, đoàn khảo sát di tích lịch sử văn hóa Hội thề thanh niên cách mạng Rừng Rong, đình Gia Lộc, các làng nghề truyền thống bánh tráng phơi sương, đờn ca tài tử.  Đến TP Tây Ninh, đoàn xem chùa Khmer Khe Đol, nhạc cụ kèn môi của người Tà Mun, các di tích lịch sử văn hóa – danh thắng tại núi Bà Đen. Đến huyện Tân Châu, đoàn thăm làng dân tộc Khmer ở ấp Kà Ốt, xã Tân Đông, trò chuyện cùng bà con dân tộc Chăm và kiến trúc thánh đường Chăm ở xã Tân Hưng. Đoàn cũng dành thời gian tìm hiểu kỹ và Cụm di tích lịch sử văn hóa đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam và Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát ở huyện Tân Biên.

Khảo sát một CLB đờn ca tài tử ở huyện Trảng Bàng

Ông Hoàng Khải, chủ quán cà phê Hoài Duy – điểm thành lập Câu lạc bộ (CLB) Đờn ca tài tử cải lương – ở xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng, khi biết tin có đoàn cán bộ đến khảo sát hoạt động đờn ca tài tử cải lương ở quán mình, ông đã tập trung nhiều tài tử đờn, ca đến biểu diễn. CLB của ông hoạt động gần 5 năm nay, sinh hoạt thường xuyên vào tối thứ hai, tư, sáu/tuần. “Nếu được kết nối CLB này vào tour du lịch để phục vụ du khách gần xa thì hay biết mấy, qua đó, loại hình văn nghệ đờn ca tài tử Nam bộ của nước mình sẽ được giới thiệu rộng rãi hơn”, ông Khải nói.

Tương tự, vợ chồng bà Nguyễn Thị Nhiều, chuyên kiếm sống bằng nghề làm bánh tráng phơi sương ở khu phố Lộc Du, thị trấn Trảng Bàng, huyện Trảng Bàng cũng niềm nở tiếp đón đoàn khảo sát. Bà Nhiều ân cần giới thiệu những công đoạn phơi sương, nướng bánh tráng mà gia đình bà đang làm hàng ngày. Người đàn bà 59 tuổi này tâm sự: “Giới thiệu làng nghề bánh tráng phơi sương của huyện với du khách gần xa là một ý tưởng tốt. Sẽ tạo điều kiện để làng nghề này hoạt động mạnh trở lại”.

Còn những chàng trai múa trống Say-dăm và những cô gái dân tộc Khmer chơi đàn ngũ âm ở Bàu Ếch cũng dành thời gian cả buổi chiều biểu diễn những nhạc cụ dân tộc của mình phục vụ đoàn khảo sát. Ông Trần Văn Xén, ngụ xã Trường Tây (huyện Hòa Thành) – Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể văn 2015, người đang dạy múa trống Chhay-dăm cho bà con dân tộc Khmer ở Bàu Ếch, nói: “Mặc dù các em cháu ở đây đều bận đi học văn hóa hoặc làm thuê làm mướn kiếm sống, nhưng nếu có yêu cầu biểu diễn phục vụ du khách thì các cháu vẫn sẵn sàng đáp ứng”.

Qua bước đầu khảo sát, các thành viên trong đoàn đều thừa nhận loại hình di sản văn hóa phi vật thể và làng nghề của Tây Ninh có nhiều tiềm năng và thuận lợi để khai thác, phát triển du lịch nhưng cũng cho rằng để đưa loại hình du lịch làng nghề, du lịch văn hóa này trở thành hiện thực còn rất nhiều việc phải tính toán, đầu tư thêm.

Đơn cử như nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, không gia đình nào có đủ các khâu sản xuất. Có người chỉ chuyên làm công đoạn tráng, phơi nắng rồi bán sản phẩm cho người khác. Gia đình khác mua bánh khô về mới tiếp tục công đoạn phơi sương, nướng. Xong công đoạn này lại tiếp tục bán cho những thương lái chuyên thu mua. Các thương lái này đem bán lại cho các nhà hàng, quán ăn, điểm bán lẻ… Trong khi đó, các gia đình, các thương lái, quán ăn, điểm bán lẻ này tọa lạc rời rạc, cách nhau khá xa hàng trăm, hàng ngàn mét chứ không tập trung thành một làng nghề khép kín. Vì vậy, muốn du khách hiểu được một cách trọn vẹn nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng thì cần phải đầu tư duy trì nhiều gia đình làm trọn vẹn nghề này, kể cả có nơi ăn, uống, để du khách có thể thực hành làm bánh và thưởng thức những sản phẩm của chính mình làm ra.

Bà Phạm Thị Sương, Trưởng phòng Nghiệp vụ Du lịch (Sở VH-TT-DL) tỉnh Tây Ninh cho biết, chuyến khảo sát các loại hình di sản văn hóa phi vật thể ở Tây Ninh lần này nhằm cụ thể hóa chiến lược phát triển du lịch của tỉnh là phát huy các tiềm năng du lịch sẵn có để tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh có ưu thế cạnh tranh cao vào phát triển du lịch. Dự kiến, sẽ hình thành nên các tour tuyến với các điểm đến mới sẽ đưa vào hoạt động trong năm 2017 qua đó có thể nối dài tour khách từ trung tâm TPHCM đến địa đạo Củ Chi – Trảng Bàng – liên tuyến biên giới Tân Biên – Campuchia.

Tác giả: Đại Dương  Nguồn: http://www.sggp.org.vn/tay-ninh-ket-noi-cac-diem-den-van-hoa-voi-du-lich-362466.html

Tin liên quan

WordPress Video Lightbox Plugin