Tây Ninh ban hành phương án khôi phục sản xuất trong điều kiện dịch bệnh Covid-19


Để duy trì và thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế, nhất là không để đứt gãy chuỗi sản xuất, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2104/QĐ-UBND ngày 03/9/2021 ban hành phương án khôi phục sản xuất, kinh doanh trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh như sau:

 

 

 

A. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH:

I. PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH

1. Khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, xây dựng cơ bản (XDCB) tạm thời áp dụng trong phạm vi các vùng xác định cấp độ dịch bệnh vùng cam, vàng và vùng vùng xanh.

2. Đối với vùng nguy cơ dịch bệnh rất cao (vùng đỏ, được xác định trong phạm vi ấp, khu phố); vùng đang bị phong tỏa, cách ly y tế theo quy định thì mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, xây dựng tiếp tục tạm dừng.

II. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

Các doanh nghiệp, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh.

Zalo
Test Covid-19 trên địa bàn huyện Dương Minh Châu

B. PHƯƠNG ÁN KHÔI PHỤC SẢN XUẤT, KINH DOANH, DICH VỤ, XDCB:

I. ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC DOANH NGHIỆP TRONG KHU CÔNG NGHIỆP, KHU CHẾ XUẤT, KHU KINH TẾ (gọi tắt là KCN)

1. Đối với các doanh nghiệp đang thực hiện “3 tại chỗ”

1.1. Giao Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh chủ trì phối hợp với các ngành chức năng, địa phương có liên quan và nhà đầu tư KCN tiến hành kiểm tra, rà soát việc thực hiện các điều kiện “3 tại chỗ” của từng doanh nghiệp để xử lý cụ thể:

1.2. Doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện “3 tai chỗ” theo quy định của UBND tỉnh thì tiếp tục hoạt động, đồng thời bổ sung phương án luân chuyển công nhân 3 tháng 1 lần, định kỳ 1 tuần 1 lần phải xét nghiệm sàng lọc bằng test nhanh kháng nguyên hoặc PCR mẫu gộp tối thiểu 20% số công nhân theo quy định của Bộ Y tế. Mỗi lần luân chuyển công nhân ra vào phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định hiện hành.

1.3. Doanh nghiệp chưa hoàn thiện “3 tại chỗ” thì vừa làm, vừa hoàn thiện, nếu không thể hoàn thiện hoặc doanh nghiệp không bảo đảm các điều kiện “3 tại chỗ” thì phải tạm dừng để khắc phục hoặc chuyển sang phương án sản xuất khác phù hợp theo quy định.

2. Đối với doanh nghiệp đang ngừng hoạt động muốn khôi phục lại sản xuất thì xây dựng phương án cụ thể theo một trong các phương án sau trình Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh thẩm định, tham mưu trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt cụ thể:

2.1. Xây dựng phương án sản xuất “3 tại chỗ” bảo đảm các yêu cầu, điều kiện:

a) Khôi phục tối đa 50% công suất sản xuất, tương ứng với sử dụng 50% lao động làm việc.

b) Thực hiện luân chuyển công nhân định kỳ cho phù hợp.

c) Đáp ứng các điều kiện “3 tại chỗ” mà UBND tỉnh đã đề ra.

d) Thực hiện test nhanh cho toàn bộ người lao động, nếu có kết quả âm tính thì cho về nơi trọ tạm thời của doanh nghiệp, sau 3-5 ngày xét nghiệm PCR mẫu gộp 10 nếu âm tính thì được sản xuất “3 tại chỗ”.

đ) Trong quá trình hoạt động bảo đảm xét nghiệm sàng lọc định kỳ 7 ngày 1 lần bằng test nhanh kháng nguyên hoặc PCR mẫu gộp 10 cho tối thiểu 20% số công nhân theo quy định của Bộ Y tế.

e) Thành lập Ban kiểm soát dịch bệnh của doanh nghiệp và Tổ giám sát COVID cộng đồng tại từng phân xưởng sản xuất để chỉ đạo, kiểm tra, nhắc nhỡ, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong doanh nghiệp, từng phân xưởng, kịp thời phát hiện các yếu tố dịch tể (ho, sốt, khó thở …) trong công nhân để tách bóc, xét nghiệm kịp thời cũng như phối hợp với Ban quản lý, ngành chức năng của địa phương áp dụng các biện pháp truy vết, khoanh vùng, phong tỏa tại doanh nghiệp khi phát hiện F0.

g) Từng công nhân có cam kết tự giác tuân thủ biện pháp phòng, chống dịch, nhất là bảo đảm 5K và tuân thủ nghiêm chỉnh các yêu cầu biện pháp ứng phó xử lý của ngành chức năng khi phát hiện có F0 trong công nhân.

2.2. Đối với doanh nghiệp không đủ điều kiện áp dụng “3 tại chỗ” thì tùy theo số lượng công nhân, doanh nghiệp xây dựng phương án “1 cung đường, 2 địa điểm” cụ thể:

a) Điều kiện chung:

– Thực hiện test nhanh cho toàn bộ người lao động 1 lần và sau 3 ngày PCR mẫu gộp 10, nếu có kết quả âm tính thì đưa vào sản xuất.

– Bố trí xe đưa đón công nhân tập trung, bảo đảm “1 cung đường, 2 địa điểm” bảo đảm ngồi giãn cách theo quy định của ngành giao thông (phương tiện phải có giám sát hành trình đang hoạt động).

– Trong quá trình hoạt động, định kỳ xét nghiệm sàng lọc test nhanh kháng nguyên 7 ngày 1 lần cho tối thiểu 20% số công nhân theo quy định của Bộ Y tế.

– Bảo đảm phương án giãn cách, môi trường thông thoáng trong sản xuất, công nhân cài đặt ứng dụng phần mềm và khai báo y tế mỗi ngày, tuân thủ 5K.

– Công nhân cam kết khi đi làm về phải tự theo dõi sức khỏe vầ tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là thực hiện nghiêm 5K.

– Thành lập Ban kiểm soát dịch của doanh nghiệp và Tổ giám sát COVID cộng đồng tại từng phân xưởng sản xuất (như thành phần 3 tại chỗ).

– Giao Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh hướng dẫn, thẩm định các phương án khôi phục sản xuất các doanh nghiệp trình UBND tỉnh phê duyệt trước khi thực hiện.

b) Đối với doanh nghiệp sử dụng từ 1.000 lao động trở lên xây dựng phương án khôi phục sản xuất theo 04 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Khôi phục hoạt động sản xuất tối đa 30% công suất, tương ứng sử dụng tối đa 30% lực lượng lao động vào làm việc, bảo đảm các điều kiện chung tại mục a, điểm 2.2:

Giai đoạn 2: Sau 01 tháng thực hiện giai đoạn 1, nếu bảo đảm an toàn (không có ca nhiễm COVID-19) doanh nghiệp xây dựng phương án nâng 50% công suất sản xuất, tương ứng với tiếp nhận 50% lao động vào làm việc.

Giai đoạn 3: Nếu bảo đảm hoạt động sản xuất an toàn, không có ca nhiễm COVID-19 (F0) sau 01 tháng hoạt động giai đoạn 2, doanh nghiệp xây dựng phương án khôi phục sản xuất 70% công suất và tương ứng với 70% lao động được trở lại làm việc.

Giai đoạn 4: Khi tỉnh trở lại trạng thái bình thường mới hoặc 100% công nhân, người lao động trong doanh nghiệp hoàn thành xong tiêm vắc xin mũi 2 thì doanh nghiệp được khôi phục sản xuất 100% công suất với 100% lao động trở lại làm việc.

c) Đối với doanh nghiệp sử dụng từ 200 lao động đến 1.000 lao động thì xây dựng phương án khôi phục sản xuất theo 02 giai đoạn

Giai đoạn 1: Khôi phục hoạt động sản xuất tối đa 50% công suất, tương ứng sử dụng tối đa 50% lực lượng lao động vào làm việc, bảo đảm các điều kiện chung nêu tại mục a, điểm 2.2:

Giai đoạn 2: Sau 01 tháng thực hiện giai đoạn 1 nếu an toàn, không có ca nhiễm COVID-19 (F0) thì doanh nghiệp xây dựng phương án khôi phục hoàn toàn sản xuất (100% công suất và 100% lao động trở lại làm việc).

d) Doanh nghiệp sử dụng dưới 200 lao động thì xây dựng phương án hoạt động bảo đảm các điều kiện nêu tại mục a, điểm 2.2.

đ) Trong từng giai đoạn hoạt động của doanh nghiệp nếu phát hiện F0 ở khu vực nào thì doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động và phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng địa phương thực hiện biện pháp truy vết, phong tỏa và các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định (toàn bộ chi phí phát sinh do doanh nghiệp chi trả).

3. Các doanh nghiệp đang thực hiện “3 tại chỗ” muốn ngừng hoạt động phải xây dựng kế hoạch trình Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh thẩm định và UBND tỉnh phê duyệt. Việc giải tỏa công nhân về địa phương phải thực hiện đúng quy định, hướng dẫn của UBND tỉnh, nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo pháp luật.

II. ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP NGOÀI KHU CÔNG NGHIỆP

1. Đối với doanh nghiệp trong cụm công nghiệp

Xây dựng một trong các phương án khôi phục sản xuất như các doanh nghiệp trong KCN, gửi UBND cấp huyện nơi cụm công nghiệp thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt.

2. Đối với doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp, ngoài cụm công nghiệp sử dụng từ 500 lao động trở lên thì xây dựng một trong các phương án khôi phục sản xuất như doanh nghiệp trong KCN gửi UBND cấp huyện nơi có hoạt động sản xuất kinh doanh thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt.

3. Đối với các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp, ngoài cụm công nghiệp sử dụng dưới 500 lao động thì xây dựng phương án tổ chức sản xuất trình UBND các huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là cấp huyện) nơi có hoạt động sản xuất, kinh doanh xem xét phê duyệt bảo đảm các điều kiện sau:

3.1. Thực hiện test nhanh cho toàn bộ người lao động, nếu có kết quả âm tính thì cho về nơi trọ tạm thời của doanh nghiệp, sau 3-5 ngày xét nghiệm PCR nếu âm tính thì đưa vào sản xuất.

3.2. Trong quá trình hoạt động, định kỳ xét nghiệm sàng lọc test nhanh kháng nguyên hoặc PCR mẫu gộp 10, 7 ngày 1 lần cho tối thiểu 20% số công nhân theo quy định của Bộ Y tế.

3.3. Bảo đảm giãn cách trong sản xuất, môi trường làm việc thông thoáng.

3.4. 100% công nhân, người lao động khai báo y tế hàng ngày bằng hình thức phù hợp và thực hiện nghiêm 5K. Công nhân phải ký cam kết tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch của địa phương khi phát hiện F0 trong doanh nghiệp.

3.5. 100% công nhân, người lao động cam kết tuân thủ “1 cung đường, 2 địa điểm” và tuân thủ việc phòng, chống dịch tại nơi cư trú.

3.6. Thành lập Ban kiểm soát dịch của doanh nghiệp và Tổ giám sát COVID cộng đồng tại từng phân xưởng, bộ phận sản xuất.

III. KHÔI PHỤC HOẠT ĐỘNG KINH DOANH, DỊCH VỤ

1. Đối với kinh doanh dịch vụ các mặt hàng không thiết yếu nguyên tắc chung chỉ khôi phục hoạt động hoàn toàn khi tỉnh trở lại trạng thái bình thường mới, tuy nhiên căn cứ vào tình hình thực tế dịch bệnh, UBND tỉnh sẽ xem xét nới lỏng một số hoạt động kinh doanh dịch vụ cho phù hợp (sẽ có thông báo cụ thể bằng văn bản).

2. Các hoạt động kinh doanh dịch vụ thiết yếu tiếp tục được hoạt động nhưng phải bảo đảm tuân thủ 5K và các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành chức năng (Sở Công thương, Sở Y tế) theo quy định.

3. Các hoạt động kinh doanh dịch vụ vận tải thực hiện theo quy định, hướng dẫn của ngành Giao thông vận tải tỉnh.

IV. CÁC HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP

1. Các hoạt động sản xuất trong khu vực vùng xanh, sử dụng lao động cư trú tại vùng xanh thì người lao động bảo đảm thực hiện 5K.

Người lao động ở vùng xanh do ấp, khu phố vùng xanh xác nhận.

2. Các hoạt động sản xuất ở các vùng xác định cấp độ cam, vàng (gọi tắt là vùng khác):

2.1. Hoạt động sản xuất tại vùng xanh nhưng sử dụng lao động tại vùng khác thì người lao động phải có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ (kinh phí xét nghiệm do người sử dụng lao động thỏa thuận với người lao động), bảo đảm tuân thủ 5K và người lao động tuân thủ “1 cung đường, 2 địa điểm”.

2.2. Hoạt động sản xuất tại các vùng khác (cam, vàng) nhưng sử dụng lao động tại vùng xanh bảo đảm 5K và tuân thủ nghiêm “1 cung đường, 2 địa điểm”, khi người lao động trở về nơi cư trú tại vùng xanh phải tự giác tự theo dõi sức khỏe, tránh tiếp xúc với người xung quanh, bảo đảm an toàn, tránh lây nhiễm để tiếp tục lao động.

2.3. Hoạt động sản xuất và sử dụng lao động tại vùng khác, người lao động phải có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ, bảo đảm 5K, thực hiện nghiêm “1 cung đường, 2 địa điểm” (kinh phí xét nghiệm do người sử dụng lao động và người lao động tự thỏa thuận).

2.4. Đối với hoạt động nông hộ không thuê mướn lao động, người sản xuất nông hộ bảo đảm 5K, tự theo dõi sức khỏe, tránh giao tiếp với người khác ngoài gia đình.

2.5. Đối với tổ chức, cá nhân có nhu cầu thu hoạch vụ mùa trong vùng đỏ thì đề nghị UBND cấp xã xem xét, có kế hoạch hỗ trợ thu hoạch phù hợp, hạn chế thấp nhất thiệt hại và bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19.

V. ĐỐI VỚI CÁC HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG CƠ BẢN

1. Hoạt động xây dựng cơ bản (XDCB) ở vùng xanh, sử dụng lao động ở vùng xanh, người lao động phải bảo đảm thực hiện nghiêm 5K. Định kỳ xét nghiệm sàng lọc test nhanh kháng nguyên hoặc PCR mẫu gộp 10, 7 ngày 1 lần cho tối thiểu 20% số công nhân theo quy định của Bộ Y tế.

2. Hoạt động XDCB ở vùng xanh, nhưng sử dụng lao động cư trú tại các vùng khác (vùng cam, vàng) thì người lao động phải có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ (kinh phí do người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận). Tuân thủ 5K.

3. Hoạt động XDCB ở vùng cam, vàng, sử dụng lao động ở vùng xanh, người lao động phải bảo đảm 5K và thực hiện nghiêm “1 cung đường, 2 địa điểm” và thực hiện tự theo dõi sức khỏe, tránh tiếp xúc với người xung quanh để bảo đảm an toàn, tránh lây nhiễm để tiếp tục lao động.

4. Đối với hoạt động XDCB trong vùng cam, vàng, sử dụng lao động ở vùng cam, vàng thì người lao động phải có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ (kinh phí do người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận), bảo đảm.

5. Hoạt động XDCB theo phương án “3 tại chỗ”

5.1. Nhà thầu xây dựng phương án “3 tại chỗ” gửi UBND cấp huyện nơi có công trình XDCB để phê duyệt (đối với công trình XDCB ngoài KCN) và gửi Ban quản lý Khu kinh tế phê duyệt (đối với hoạt động XDCB trong KCN).

5.2. Thực hiện test nhanh cho toàn bộ người lao động, nếu có kết quả âm tính thì cho về nơi trọ tạm thời của doanh nghiệp, sau 3-5 ngày xét nghiệm PCR nếu âm tính thì được hoạt động. Định kỳ xét nghiệm sàng lọc bằng test nhanh kháng nguyên hoặc PCR mẫu gộp 10, 7 ngày 1 lần cho tối thiểu 20% số công nhân, người lao động theo quy định của Bộ Y tế. Kinh phí test sàng lọc do người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận.

5.3. Nhà thầu thành lập Tổ y tế COVID cộng đồng để giám sát hoạt động “3 tại chỗ”.

5.4. Quá trình thực hiện bảo đảm 5K; khi giải tỏa “3 tại chỗ” phải xét nghiệm sàng lọc tất cả công nhân, người lao động âm tính mới được cho về địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án “3 tại chỗ” để giám sát và thông báo cho các địa phương khác tiếp nhận công nhân, người lao động trở về địa phương để quản lý, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

5.5. Chủ đầu tư có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện phương án 3 tại chỗ của nhà thầu.

Nguồn: Cổng hành chính công tỉnh Tây Ninh

Tin liên quan

WordPress Video Lightbox Plugin