Tấm ‘thẻ thông hành’, điều kiện mở lại du lịch, đường bay nội địa


Trong khi chờ mở cửa hàng không, du lịch quốc tế, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp kiến nghị Việt Nam có thể mở lại ngay thị trường hàng không và du lịch nội địa, nhất là khi số người tiêm đủ hai mũi vắc xin ngày càng nhiều.

 

Thẻ thông hành xanh cho thị trường nội địa

 

Trả lời trực tuyến trên VietNamNet, TS. Lương Hoài Nam – Chuyên gia về du lịch và hàng không cho rằng, hộ chiếu vắc xin đã trở thành xu thế toàn cầu và chúng ta không thể đứng ngoài. Tại Việt Nam, chúng ta đang dịch chuyển theo đúng hướng đó. Phú Quốc sẽ là nơi đầu tiên thí điểm dùng hộ chiếu vắc xin đón khách du lịch quốc tế.

 

Tuy nhiên, TS. Lương Hoài Nam kiến nghị, cần sử dụng ngay hộ chiếu vắc xin để phục hồi và phát triển thị trường nội địa, bởi nếu chờ dịch hết thì không biết đến bao giờ.

 

Tính đến 2/9, Việt Nam đã tiêm chủng trên 20,58 triệu liều vắc xin, trong đó trên 2,73 triệu người đã tiêm đủ 2 mũi. Do đó, ông góp ý cần ngay lập tức sử dụng hộ chiếu vắc xin của người Việt Nam cho việc mở lại thị trường hàng không nội địa, mở lại du lịch nội địa. Song song đó là hướng đến thị trường quốc tế.

 

Tấm 'thẻ thông hành', điều kiện mở lại du lịch, đường bay nội địa

Các chuyên gia kiến nghị thí điểm hộ chiếu vắc xin với du lịch và hàng không nội địa

 

 

“Tôi đề xuất dùng hộ chiếu vắc xin để phục hồi và phát triển thị trường hàng không nội địa ngay và luôn, không nên chờ các giải pháp đối phó vùng dịch. Tất cả nằm trong quyền quyết định của chúng ta và không phải thương thuyết với nước nào”, ông Nam nói.

 

Đây là lý do mà các chuyên gia Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), trong đó TS. Lương Hoài Nam cũng là thành viên, vừa đề xuất Chính phủ thực hiện chương trình thí điểm thẻ thông hành xanh (Vietnam Green Travel Pass) thay cho hộ chiếu vắc xin tại Việt Nam để mở lại các công việc kinh doanh, đi lại trong nước, chứ không phải chỉ xuất cảnh, nhập cảnh. Qua đó nhằm thực hiện mục tiêu kép, giúp phục hồi phát triển kinh tế sớm nhất trong bối cảnh phải sống chung với Covid-19 lâu dài.

 

Thẻ thông hành xanh có thể là mã QR trên điện thoại thông minh hoặc in ra trên giấy, áp dụng cho những đối tượng không chỉ tiêm đủ vắc xin, mà cả những F0 đã khỏi bệnh, những người có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước.

 

Ngoài ra, TAB kiến nghị Chính phủ cần đàm phán song phương hoặc đa phương với các quốc gia/vùng lãnh thổ khác trên thế giới để ký thỏa thuận cho phép công dân Việt Nam sử dụng Thẻ thông hành xanh Việt Nam khi nhập cảnh vào nước và ưu tiên đàm phán thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau giữa các nước trong khối ASEAN, Liên minh châu Âu (EU), Hiệp hội Vận tải hàng không thế giới (Thẻ thông hành IATA Travel Pass)…

 

Cần cơ quan chuyên trách về hộ chiếu vắc xin

 

Đồng tình với quan điểm trên, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho rằng, để làm được điều đó, cần phải có một cơ quan chuyên trách, chịu trách nhiệm về triển khai hộ chiếu vắc xin. Cái khó là hiện nay, ngay cả khái niệm về hộ chiếu vắc xin cũng chưa thống nhất.

 

Tấm 'thẻ thông hành', điều kiện mở lại du lịch, đường bay nội địa

Từ đó, từng bước mở lại thị trường nội địa tiến tới đón khách quốc tế

 

 

Theo ông Cường, hộ chiếu vắc xin cần được hiểu là một phần mềm ghi nhận tình trạng của một người, có thể là âm tính sau xét nghiệm PCR, hai là tiêm đủ vắc xin, 1 hoặc 2 liều theo nhà sản xuất; ba là bệnh nhân đã khỏi Covid. Hiện nay, ở Việt Nam có cả ba đối tượng như vậy, nhưng cách ứng xử chưa có gì khác biệt.

 

Chẳng hạn, với phi công và tiếp viên đã tiêm 1 mũi vắc xin không may mắc virus SAR-CoVy-2, đã khỏi bệnh, nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể về việc họ quay trở lại đi làm thế nào. Bởi, theo chỉ định, bệnh nhân khỏi bệnh không được tiêm vắc xin vì đã có kháng thể, ít nhất 6-7 tháng sau mới được tiêm.

 

Do đó, hộ chiếu vắc xin cần phải có sự thống nhất, nghiên cứu thấu đáo. Hơn nữa, đã vào phần mềm thì phải đảm bảo tính riêng tư và chống giả mạo. Phần mềm đó là miễn phí, hay có thu một khoản phí phù hợp? Ông Cường lưu ý, đừng để các phần mềm hộ chiếu vắc xin trở thành gánh nặng cho xã hội, tức là người sử dụng – các hãng hàng không và những người di chuyển đường hàng không.

 

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cũng góp ý, nên có hình thức riêng cho người tiêm đủ hai mũi vắc xin và áp dụng 5K để họ có thể đi làm/buôn bán/học tập trở lại. Do đó, Bộ Y tế sớm có hướng dẫn với nhóm người đã tiêm đủ hai mũi, như là một “hộ chiếu vắc xin” sớm trước khi đạt tiêm chủng toàn dân.

 

Ông Võ Huy Cường kỳ vọng, từ nay đến 30/9, nếu giảm bớt được số ca lây nhiễm trong cộng đồng, tiến tới bỏ giãn cách và tỷ lệ tiêm vắc xin ngày càng cao, Việt Nam có thể từng bước quay trở lại khôi phục các chuyến bay nội địa thường lệ. Sau đó, khi có hộ chiếu vắc xin, từng bước mở lại hoạt động đi lại quốc tế.

 

Tấm 'thẻ thông hành', điều kiện mở lại du lịch, đường bay nội địa

Hệ thống chứng nhận tiêm chủng vắc xin đã được tích hợp lên ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn.

 

Việc các hãng hàng không thử nghiệm thành công ứng dụng hộ chiếu sức khỏe điện tử cũng từng bước tiến tới việc mở cửa với khách du lịch và hàng không quốc tế.

 

Sau khi bay thử nghiệm chuyến bay từ Hà Nội đi Tokyo (Nhật Bản) hồi tháng 7, Vietnam Airlines ngày 2/9 thử nghiệm thành công ứng dụng hộ chiếu sức khỏe điện tử (IATA Travel Pass) trên chuyến bay từ Hà Nội đi London – Anh, với 18 hành khách. Tới đây, hãng sẽ triển khai tiếp các chuyến bay từ Hà Nội đi Seoul – Hàn Quốc ngày 12/9 và Hà Nội – London ngày 21/9, bên cạnh các chuyến bay từ Hà Nội đi Tokyo các ngày thứ Năm hằng tuần.

 

Trước đó, Vietjet cũng đã tham gia thử nghiệm ứng dụng IATA Travel Pass.

 

Trung tâm Thông tin Du lịch (Tổng cục Du lịch) cho biết, cơ quan này đã xây dựng hệ thống chứng nhận tiêm chủng vắc xin trên website, tại địa chỉ https://travelpass.tourism.vn, nhằm sẵn sàng phục vụ đón khách quốc tế khi du lịch được mở trở lại. Hiện nay, hệ thống chứng nhận tiêm chủng vắc xin đã được tích hợp lên ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn.

 

Hệ thống này cung cấp quy trình thủ tục kiểm soát, xác thực, cập nhật hồ sơ y tế của khách quốc tế từ trước khi nhập cảnh vào Việt Nam, lúc nhập cảnh vào Việt Nam, trong quá trình khách đi lại, du lịch ở Việt Nam và cho đến khi khách xuất cảnh rời Việt Nam.

 

Hiện nay, để đi lại trong nội bộ EU, phải xuất trình hộ chiếu vắc xin, tức QR code về Chứng nhận kỹ thuật số COVID (Digital COVID Certificate – DCC) để xác nhận rằng đã được tiêm đủ 2 liều vắc xin và đúng các loại vắc xin theo quy định. Đó cũng là điều kiện tiên quyết để thương thuyết giữa EU với các nước khác, cũng như để đi lại giữa các nước với EU. DCC hiện được áp dụng tại 27 quốc gia thành viên EU, bên cạnh đó là một số quốc gia khác gồm Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine thông qua những thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau.

 

Hoặc là giữa các nước với nhau, chẳng hạn như Singapore, cũng phải dựa trên nguyên tắc đảm bảo có hộ chiếu vắc xin.

Nguồn: Ngọc Hà – Báo Vietnamnet

Tin liên quan

WordPress Video Lightbox Plugin