Phát huy điểm nhấn để Du lịch tăng tốc


Thời gian qua, tỉnh Tây Ninh đã thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển ngành du lịch, trong đó tập trung vào phát huy thế mạnh của những địa điểm du lịch nổi trội trên địa bàn tỉnh, như Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát, Khu du lịch núi Bà…

 
 

Múa rồng nhang. Ảnh: Lê Văn Hải

 

 

Thế mạnh của vườn di sản ASEAN

 

“Du lịch sinh thái Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát góp phần để du lịch Tây Ninh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thời gian qua, Vườn đã khai thác có hiệu quả các tuyến, điểm tham quan du lịch sinh thái hiện có trong Vườn gồm: Trảng ngập nước Tà Nốt, đài quan sát chim; tổng hợp rừng sao dầu, rừng tràm và trảng cỏ; đường sông từ bến Lò Gò đi Suối Vắt tham quan sông Vàm Cỏ Ðông, cột mốc biên giới 132; các điểm văn hoá di tích lịch sử như Bia tưởng niệm Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, Trường Nguyễn Văn Trỗi; đi bộ dã ngoại xuyên rừng…

 

Từ khi Trung tâm du lịch sinh thái Ða Ha xây dựng xong, có 4 bungalow có thể phục vụ nghỉ qua đêm cho đoàn dưới 30 khách, có 4 trạm dừng chân và giải khát, có tuyến đường kết hợp tuần tra và tham quan bằng bê tông trải dài gần 3km phục vụ du khách đi bộ tham quan kiểu rừng thường xanh. Hiện tại, Vườn quốc gia bảo đảm cung cấp cho khách các sản phẩm mật ong rừng, thịt heo rừng lai nuôi; các thực đơn phong phú từ đặc sản cá suối đến bánh xèo, rau rừng…

 

Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát được công nhận là Vườn di sản ASEAN, điều này có ý nghĩa gì đối với ngành du lịch? Trả lời câu hỏi này, đại diện Vườn cho biết, Vườn di sản ASEAN là danh hiệu bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học của Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN), được triển khai từ năm 2003 với mục đích bảo tồn toàn diện các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, mang tính độc đáo của khu vực ASEAN.

 

Ngày 10.12.2019, tại tỉnh Lâm Ðồng, Tổng cục Môi trường và Trung tâm Ða dạng sinh học ASEAN đã trao bằng công nhận danh hiệu Vườn di sản ASEAN cho Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát. Ðây là sự nỗ lực không ngừng của tập thể cán bộ nhân viên Vườn quốc gia trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường nhiều năm qua; góp phần quan trọng vào công tác bảo tồn các hệ sinh thái, có giá trị văn hoá, lịch sử đối với quốc gia Việt Nam và cả khu vực; góp phần nâng cao nhận thức bảo tồn đa dạng sinh học của người dân các nước ASEAN.

 

 

Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát là đại diện duy nhất cho vùng sinh thái rừng khô miền Trung Ðông Dương – một trong bốn vùng sinh thái toàn cầu tại miền Nam Việt Nam. Vùng sinh thái có các kiểu rừng nổi tiếng toàn cầu về số lượng các loài thú lớn sống trong các khu vực nguyên sinh rộng lớn.

 

Ðể phát triển du lịch ở nơi đây, lãnh đạo Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát nhìn nhận, quan trọng là đầu tư kết cấu hạ tầng. Theo đó, Trung tâm du lịch sinh thái Ða Ha trở thành khu nghỉ dưỡng cao cấp; trang bị thêm các phương tiện vận chuyển khách du lịch đường sông Vàm Cỏ Ðông, xây dựng các trạm hướng dẫn hỗ trợ cho du khách và xây dựng bến thuyền phục vụ du khách. Khu hành chính dịch vụ Vườn quốc gia với diện tích 125 ha phù hợp để xây dựng các khu vui chơi, giải trí, thể thao, khu trưng bày các mẫu vật, di tích lịch sử, sưu tầm cây bản địa quý hiếm. Cần tiếp tục xúc tiến quảng bá du lịch, kêu gọi đầu tư, kết hợp với các cơ quan truyền thông tổ chức quảng bá sâu rộng hình ảnh Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát về du lịch sinh thái bằng nhiều hình thức phong phú, hiệu quả.

 

Xây dựng núi Bà Đen thành điểm du lịch “Không thể không đến”

 

Ngoài các điểm di tích, danh thắng nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, Hội xuân núi Bà Ðen cũng là một “tài nguyên” du lịch đặc biệt quan trọng, là lễ hội truyền thống đầu năm của người dân trong Khu du lịch quốc gia núi Bà Ðen. Lễ hội nhằm đẩy mạnh việc giáo dục truyền thống về nguồn, tạo nên điểm sinh hoạt vui xuân, đón tết gắn với đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của nhân dân.

 

Lễ vía Bà Linh Sơn Thánh mẫu vào mùng 5 tháng 5 (âm lịch) hằng năm, cũng là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia được Bộ VH,TT&DL công nhận năm 2018, thu hút hơn 8.000 lượt khách viếng hằng năm. Song song với việc giữ gìn các giá trị văn hoá, hệ thống hạ tầng kỹ thuật của Khu du lịch quốc gia núi Bà cũng được đầu tư. Năm 2012 và 2013, Công ty cổ phần cáp treo núi Bà  xây dựng và đưa vào khai thác hệ thống cáp treo và máng trượt theo công nghệ châu Âu, góp phần đáng kể trong phục vụ khách tham quan hành hương.

 

Ðặc biệt nhất là hiện nay, tại Khu du lịch đang triển khai quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia núi Bà Ðen, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1099/QÐ-TTg ngày 5.9.2018. UBND tỉnh Tây Ninh có Quyết định số 2428/QÐ-UBND ngày 8.11.2019 về phê duyệt Quy hoạch phân khu I có quy mô diện tích 366,8 ha, gồm các khu chức năng: khu tâm linh, khu tham quan chuyên đề, lưu trú, thương mại, dịch vụ du lịch trên đỉnh núi, khu thương mại, dịch vụ ven chân núi phía Nam, khu công viên chuyên đề dọc đường bộ lên đỉnh núi, khu dân cư thương mại phục vụ khu du lịch.

 

 

Ðỉnh núi Bà Ðen.

 

Trong đó, khu thương mại, dịch vụ ven chân núi phía Nam và khu dân cư thương mại phục vụ khu du lịch đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500. Ban Quản lý khu du lịch tích cực phối hợp các sở, ngành liên quan để đấu giá đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

 

Một phần khu tham quan chuyên đề, lưu trú, thương mại, dịch vụ du lịch trên đỉnh núi đã thi công. Cụ thể, năm 2020 hoàn thành và đưa vào khai thác hệ thống cáp treo theo tiêu chuẩn châu Âu (tuyến lên đỉnh và lên chùa Hang), khánh thành và đưa vào phục vụ công trình mở rộng sân mặt bằng chùa Bà, góp phần tạo không gian thông thoáng phục vụ khách tham quan. Ðang thi công tuyến đường lên đỉnh và tượng Phật trên đỉnh gắn với xây dựng khu vườn thượng uyển và khu vực tâm linh trên đỉnh núi.

 

Ðại diện Ban Quản lý Khu du lịch cho biết thêm, căn cứ quy hoạch được duyệt, trên cơ sở tài nguyên, tiềm năng, nguồn lực và nhu cầu thị trường mục tiêu phát triển Khu du lịch quốc gia núi Bà Ðen trở thành trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh, một điểm đến độc đáo, đẳng cấp và khác biệt, làm động lực, đòn bẩy phát triển toàn diện kinh tế – xã hội của tỉnh.

 

Mục tiêu và định hướng phát triển Khu du lịch quốc gia núi Bà Ðen trong thời gian gian tới là hoàn thành và đưa vào khai thác dịch vụ du lịch, lấy du lịch tâm linh làm chủ đạo, được xây dựng đồng bộ với các khu chức năng thương mại, du lịch, văn hoá, thể thao cao cấp (golf) vui chơi giải trí tổng hợp, dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng cao cấp, phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học, thiên nhiên, môi trường sinh thái…

 

(Nguồn: Báo Tây Ninh Online)

Tin liên quan

WordPress Video Lightbox Plugin