Nét văn hóa của tộc người Tà Mun Tây Ninh


Theo những nghiên cứu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh, tộc người Tà Mun có những nét văn hóa truyền thống rất đặc sắc và riêng biệt so với các dân tộc khác. Tà Mun có nguồn gốc từ âm “Khmun”- là tên gọi của một trong những vị thần bảo hộ của họ.

Theo thống kê, nhóm người Tà Mun sinh sống trên địa bàn tỉnh Tây Ninh hiện có hơn 1.800 người, cư trú chủ yếu ở TP Tây Ninh và các huyện: Tân Biên, Tân Châu và Dương Minh Châu. Người Tà Mun không có chữ viết, chỉ lưu giữ được tiếng nói riêng. Tuy nhiên, do dân số ít lại trải qua nhiều biến cố của đời sống, cho nên văn hóa của tộc người Tà Mun nhìn bên ngoài rất dễ nhầm lẫn với các dân tộc khác.

Đến tận ngày nay, nếu tìm hiểu kỹ, tộc người Tà Mun vẫn còn lưu giữ được những giá trị văn hóa tinh thần, tín ngưỡng dân gian… truyền thống đặc trưng của dân tộc mình. Đơn cử như trong hoạt động sản xuất, trồng trọt, người Tà Mun có giống Tơ-rô và lúa Sau-sơ-ra rất đặc trưng. Loại lúa này có thời gian sinh trưởng từ đầu mùa mưa đến cuối tháng 8 âm lịch; khi lúa chín vàng, người Tà Mun kéo nhau ra rẫy thu hoạch, họ đeo gùi trên lưng, dùng tay tuốt từng bông lúa bỏ vào gùi, mang về nhà cho vào bồ. Trong quá trình sản xuất, người Tà Mun đã chế tạo ra nhiều công cụ lao động như: cày, bừa, phảng, cù nèo, vòng hái, cối xay, lưới, chài, xịp, nơm, giỏ, ghế đập lúa… nhưng khi hòa nhập với cuộc sống hiện đại, họ dần thay thế chúng bằng các công cụ lao động khác của người Kinh cho phù hợp với hoạt động sản xuất.

Lễ rước rể trong đám cưới của người Tà Mun.

Trong khi đó, về tín ngưỡng, người Tà Mun tin rằng có các thần linh mà họ gọi là unc dùng để chỉ các thần linh trên cao (như uncôhe là thần đất, uncômir là thần rẫy, uncôpanâm là thần núi và uncôlê là thần sông…) và chỉ ông, bà tổ tiên. Người Tà Mun còn có phong tục “cưới chồng” rất riêng. Điểm khác biệt trong phong tục này là có ông mai bên nhà trai sang nhà gái dạm hỏi trước (Hanh-Lip-Xana) nhưng do bên nhà gái tổ chức rước rể (Hanh num-Kon Klô Xua) hay (Chun Kon Klô). Khi đưa chàng rể qua nhà gái, nhà trai sẽ hát múa những bài hát đưa rể gọi là Xavên-Keo Kôc. Theo thời gian, những nét văn hóa này hiện cũng còn rất ít người trong làng biết đến, chủ yếu là những già làng.

Có thể nói, qua hơn một thế kỷ tồn tại, cộng đồng tộc người Tà Mun đã khẳng định sự khác biệt về ngôn ngữ, có bản sắc văn hóa riêng biệt, phong phú, đa dạng và có ý thức tự giác dân tộc rất cao.

(Nguồn: Báo Nhân Dân điện tử)

Tin liên quan

WordPress Video Lightbox Plugin