Lễ hội VHDL bánh tránh phơi sương Trảng Bảng – Tây Ninh: Ẩm thực quê nhà lên ngôi


Là lần đầu tiên Tây Ninh tổ chức lễ hội quy mô lớn nhằm tôn vinh, phát huy giá trị truyền thống của làng nghề nhưng do công tác chuẩn bị tốt nên lễ hội đã thu hút đông đảo du khách tham quan, mua sắm và đạt được nhiều kết quả như kỳ vọng.

Đại biểu Cục Di sản văn hóa – Bộ VHTTDL trao bằng chứng nhận tại Lễ hội

Lễ hội lần này có sự tham gia của 120 đơn vị với khoảng 200 gian hàng ẩm thực, thương mại du lịch… Ngoài các gian hàng trình diễn ngành nghề truyền thống về bánh tráng phơi sương, Ban Tổ chức cũng bố trí các gian hàng ẩm thực liên quan đến món ăn truyền thống này để phục vụ thực khách về dự lễ hội.

Bên cạnh mặt hàng chính là bánh tráng phơi sương, còn có hàng chục loại bánh tráng khác, như bánh tráng thường, bánh tráng xuất khẩu, bánh tráng nướng, bánh tráng sữa, bánh tráng muối ớt, bánh tráng mè, bánh tráng vụn… và nhiều món ăn đã làm nên thương hiệu đặc sản của tỉnh Tây Ninh.

Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Tây Ninh, Trưởng ban tổ chức tặng hoa các doanh nghiệp

Tại đây, các nghệ nhân làm bánh tráng phơi sương thuộc Hợp tác xã Tân Tiến cũng đã trình diễn tráng những chiếc bánh có đường kính từ 1 – 1,2 m để phục vụ người dân tham quan đồng thời đăng ký tham gia kỷ lục Guinness Việt Nam.

Tại Lễ hội lần này, các gian hàng năm nay cũng được đầu tư công phu, trang trí bắt mắt. Ví như gian hàng chung của tỉnh Tây Ninh, huyện Trảng Bàng có sự biểu diễn nướng bánh tráng hai lớp của các nghệ nhân hợp tác xã Tân Tiến cùng nhiều cơ sở khác. Ngay sau khi thành phẩm, du khách có thể thưởng thức tại chỗ. Rồi tại gian hàng của bánh canh Hoàng Minh 3, du khách cũng được thưởng thức nhiều loại rau rừng, rau sông với bánh tráng phơi sương miễn phí. Hay như gian hàng ẩm thực Mai An Tiêm (Bến Tre) cũng được trang trí ấn tượng, mang đậm nét dân dã, hồn quê với nhiều món ăn hấp dẫn: gà nướng muối ớt, chim sẻ quay nước dừa, chả giò cá kèo…

Khách tham quan xem nghệ nhân HTX Tân Tiến – Trảng Bàng trình diễn nướng bánh tráng ( 2 lớp ) bột gạo phơi sương tại lễ hội.

Bên cạnh đó, gian hàng của các huyện, thị, thành phố Tây Ninh cũng giới thiệu những thành tựu kinh tế, xã hội và những nét đặc trưng riêng của địa phương: Mảng cầu, muối ớt, ốc núi… Cùng với đó là các gian hàng thương mại, đồ lưu niệm… cũng được trang trí ấn tượng với nhiều mặt hàng phong phú, đa dạng.

Một trong những điểm nhấn là đêm khai mạc với nghi thức tuy ngắn gọn nhưng hết sức trang trọng. Còn chương trình văn nghệ được đầu tư hoành tráng với sự góp mặt, biểu diễn của các nghệ sĩ nổi tiếng: Châu Thanh, Đan Trường, Vân Khánh, Bích Phượng… đã thu hút đông đảo người dân, du khách đến dự, tham quan. Và hàng đêm, các chương trình văn nghệ cũng diễn ra, sân vận động Trảng Bàng lúc nào cũng chất kín chỗ ngồi.

Một góc ẩm thực bánh tráng phơi sương

Ông Nguyễn Như Hữu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần truyền thông Vương Hậu (TP.HCM) – một trong những đơn vị tổ chức cho biết, trung bình mỗi ngày, lễ hội đã thu hút khoảng 15 ngàn lượt người. Dù còn đó những thiếu sót, hạn chế nhất định nhưng sự kiện thực sự đã đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân và chính quyền nơi đây. Qua đây, ông Hữu cũng cảm ơn lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở VHTTDL, huyện ủy, UBND huyện Trảng Bàng và các cơ quan chức năng cũng như người dân Tây Ninh. Đặc biệt là các nghệ sĩ, nhà tài trợ, các đơn vị đối tác đã nhiệt tình tham gia, góp phần cho Lễ hội thành công.

Phát biểu trong buổi khai mạc Lễ hội, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Phạm Văn Tân cho biết: “Lễ hội là một trong những hoạt động quan trọng trong chuỗi các sự kiện Kỷ niệm 180 năm – Tây Ninh hình thành và phát triển, được tổ chức lần đầu tiên tại mảnh đất giàu truyền thống cách mạng – Trảng Bàng, quê hương hai lần được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đây cũng là nơi khởi nguồn nghề bánh tráng phơi sương nổi tiếng”.

“Nét đặc trưng của bánh tráng phơi sương Trảng Bàng không chỉ ở kiểu dáng, chất liệu, hương vị mà còn bởi sự gắn kết cộng đồng, sự sáng tạo, cầu kỳ, tỉ mỷ qua từng công đoạn sản xuất, tạo ra những chiếc bánh thơm ngon, mang hương vị đặc trưng riêng không pha lẫn với các loại bánh tráng truyền thống khác, phản ánh sự sáng tạo trong văn hóa ẩm thực của người dân xứ Trảng”, ông Tân nói.

Ông Dương Văn Phong, Giám đốc Sở VHTTDL Tây Ninh cho biết, trong quá trình di dân đến Tây Ninh sinh sống, một trong những nghề thủ công truyền thống được người Việt kế thừa và phát triển trên vùng đất Trảng Bàng để làm kế sinh nhai là nghề làm bánh tráng. Qua thời gian, nghề này dần biến đổi, trở thành một nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực của người dân Tây Ninh. Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng còn thể hiện tinh thần yêu lao động, tảo tần sớm hôm, chịu thương chịu khó, phản ánh sự sáng tạo của con người trong văn hóa ẩm thực, có sức sống và tồn tại lâu dài, có tiềm năng kinh tế cao nếu được quy hoạch thành điểm du lịch làng nghề.

Dịp này, Bộ VHTTDL đã trao bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể cho nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng. “Sự công nhận nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, là niềm vinh dự tự hào, đồng thời là trách nhiệm lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Trảng Bàng nói riêng và Tây Ninh nói chung”.

Ông Tân cũng chỉ đạo các ngành chức năng huyện Trảng Bàng phải “bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, giữ vững thương hiệu, đưa di sản vươn xa đến mọi miền đất nước, luôn là món ẩm thực độc đáo của quê hương xứ Trảng được mọi người, nhất là du khách trong và ngoài nước ưa thích, góp phần quảng bá hình ảnh, con người Tây Ninh nói chung và Trảng Bàng nói riêng”.

UBND tỉnh Tây Ninh cũng đã vinh danh 11 người dân, nghệ nhân có công bảo tồn và phát triển nghề làm bánh tráng phơi sương ở huyện Trảng Bàng.

Tác Giả: Thanh Tùng – Trần Lợi

Nguồn: Báo du lịch

Tin liên quan

WordPress Video Lightbox Plugin