Giữ hồn múa trống Chhay-dăm


Múa trống Chhay-dăm là loại hình nghệ thuật được Phối sư Thái Chia Thanh (người Campuchia) truyền dạy cho bà con dân tộc Khmer tại Việt Nam vào năm 1972 để biểu diễn trong các lễ hội Cao Đài tại Toà thánh Tây Ninh. Đến nay, ngoài các lễ hội trên, múa trống Chhay-dăm còn được biểu diễn vào dịp Tết Chol Chnam Thmay, Sen Dolta của người Khmer ở Bàu Ếch thuộc ấp Trường An, xã Trường Tây, huyện Hoà Thành.

 

19 giờ một ngày cuối tuần, từ trong nhà văn hoá của đồng bào Khmer vọng ra tiếng trống Chhay-dăm lúc dồn dập, lúc khoan thai, êm đềm; cũng có lúc, điệu trống đang nhịp nhàng bỗng khựng lại, rồi lại nổi lên. Đó là lúc ông Mây Sim (62 tuổi) cùng với các cậu học trò nhỏ của mình đang tập dượt những bài trống Chhay-dăm. 

 

“Không có lịch tập cố định, vì có hôm tôi bận việc nhà. Có hôm bọn con nít mới tập lộn nhào bị tay đau, tôi cho nghỉ. Nhưng, tôi vẫn cố gắng hôm nào thu xếp được là kêu tụi nhỏ lại để dạy. Tụi nhỏ ở trong xóm nên tập hợp cũng dễ. Tôi nói với tụi nhỏ hoài, ráng, không để cho mất cái gốc của dân tộc mình”, ông Mây Sim bộc bạch. 

 

Ông kể, trước đây, việc truyền dạy cho các học viên do nghệ nhân Trần Văn Xén (xã Long Thành Bắc) phụ trách. Rồi gần chục năm nay, việc gìn giữ và lưu truyền nghệ thuật biểu diễn này được giao về cho ông Mây Sim. Đến nay, các ông đã truyền dạy cho thế hệ trẻ dân tộc Khmer và các dân tộc khác có nhu cầu học múa trống Chhay-dăm được 30 người, chia thành 2 đội (một đội người lớn và 1 đội thiếu niên) với hơn 25 trống lớn, nhỏ, biểu diễn thuần thục, phục vụ tốt vào các dịp lễ, hội dân tộc và tôn giáo.

 

Lớp học của ông Mây Sim giờ có được 5-6 bé trai, từ 6 tuổi trở lên. Cậu bé Cao Văn Nam, 8 tuổi cho biết, cậu học đánh trống Chhay-dăm được 2 năm rồi. Đến nay, Nam đã thuộc những bài cơ bản, tuy nhiên, cậu nhóc vẫn chưa thể lăn lộn, biểu diễn những động tác phức tạp. “Con thấy mấy anh múa trống đẹp nên xin vào”, Nam rụt rè thổ lộ.

 

“Mỗi lần tập chỉ vài chục phút thôi. Để tập được, phải làm sao giữ cho nhịp trống lúc nào cũng đều, rồi mới chú ý đến các động tác khác như đánh trống bằng cùi chỏ, bằng chân cùng lúc nhào lộn. Xem vậy chớ tập mệt lắm. Mấy đứa nhỏ tập chưa quen, thỉnh thoảng bị trặc tay, sái chân. Nên tôi dạy từ từ, mệt thì nghỉ, chủ yếu dạy cho các cháu giữ truyền thống, cội nguồn”, ông Mây Sim chia sẻ. 

 

Để biểu diễn múa trống Chhay-dăm phải có ít nhất 12 người, mỗi người mang trên mình một chiếc trống. Trống sử dụng trong múa Chhay-dăm được làm bằng thân cau già, khoét rỗng ruột. Tuỳ vào người lớn hay nhỏ mà sử dụng trống to hay trống bé. Phần đầu trống phình to được bịt da trâu hay trăn khô, phần đuôi trống nhỏ hơn, được kết nối với chân trống làm bằng kim loại. 

 

Các động tác múa trống Chhay-dăm giống như múa võ và sẽ phối hợp với nhau cùng múa: múa đơn, múa đôi múa ba hay múa tư. Khi đó, ngoài giữ tiếng trống luôn đều đặn, nhịp nhàng cùng tập thể, người múa còn dùng cùi chỏ, đầu gối, gót chân để đánh vào trống của mình và của bạn đồng diễn. Các động tác phải mạnh mẽ, dứt khoát. Trong lúc nhào lộn, phần chân trống làm bằng kim loại chạm vào sàn diễn tạo âm thanh lốp cốp đặc trưng riêng. 

 

Tháng 02.2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa loại hình nghệ thuật múa trống Chhay-dăm ở xã Trường Tây vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể của quốc gia. Để phát huy và gìn giữ, thời gian qua, UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho nhà văn hoá dân tộc và nhạc cụ như: Cơ sở vật chất, hội trường, tivi, cụm loa để tổ chức hội, họp, sinh hoạt, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 

 

UBND huyện Hoà Thành cũng đã triển khai kế hoạch bảo vệ và phát huy di sản văn hoá phi vật thể múa trống Chhay-dăm, đầu tư sửa chữa, nâng cấp nhà văn hoá dân tộc như: lát nền sân, làm mới cổng, tường rào, trồng cây xanh… để tổ chức sinh hoạt, vui chơi giải trí và làm địa điểm tập luyện múa trống Chhay-dăm. Đặc biệt, huyện đã trang bị mới 2 bộ trống Chhay-dăm, 1 bộ nhạc ngũ âm, 20 bộ trang phục múa trống dùng trong các dịp phục vụ lễ, hội, với tổng giá trị đầu tư gần 530 triệu đồng (trong đó xã hội hoá vận động khoảng 230 triệu đồng).

 

Ngoài múa trống Chhay-dăm, hiện nay, bà con dân tộc Khmer ở Bàu Ếch còn chú trọng gìn giữ tiếng nhạc ngũ âm. Theo ông Mây Sim, từ nửa năm nay, với sự hỗ trợ của một mạnh thường quân, ông đã mời một người thầy dạy nhạc ngũ âm từ Campuchia sang dạy cho các cháu gái (từ 10 đến 16 tuổi). “Việc quản lý nhóm nhạc này giao cho chị Cao Thị PhoLa. Sau một thời gian, các cháu nó cũng đã tập được một số bài nhạc dễ. Có dàn nhạc để ở nhà văn hoá đó, cứ đứa nào rảnh thì lên tập để thuộc bài. Còn vấn đề gì khó, cần hỗ trợ thì gọi nhờ thầy sang giúp. Nhạc ngũ âm là loại hình nhạc dân tộc của người Khmer, tôi cũng khuyên tụi nhỏ, ráng tập, đừng để quên mất”, ông Mây Sim chia sẻ một cách chất phác.

 

(Nguồn: Báo Tây Ninh online)

Tin liên quan

WordPress Video Lightbox Plugin