Dự án du lịch mời gọi đầu tư giai đoạn 2016 – 2020


Dự án du lịch mời gọi đầu tư giai đoạn 2016-2020

1. Dự án phát triển Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen Tây Ninh

– Mục tiêu: Khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, văn hóa – lễ hội và danh lam thắng cảnh núi Bà Đen.

– Địa điểm: Khu vực núi Bà Đen rộng 30 km2, phường Ninh Sơn, phường Ninh Thạnh, xã Thạnh Tân, xã Tân Bình (thành phố Tây Ninh) và xã Phan, xã Suối Đá (huyện Dương Minh Châu), cách trung tâm thành phố Tây Ninh khoảng 11 km.

– Hệ thống giao thông: Gần trung tâm Thành phố Tây Ninh, kết nối thuận lợi với các địa điểm du lịch trong nước và quốc tế.

– Tiềm năng: Quần thể núi Bà Đen nằm giữa vùng đồng bằng được cấu tạo bởi đá granit, granodionit… với 3 đỉnh cao: Núi Bà (986 m), núi Phụng (372 m) và núi Heo – còn gọi là núi Đất (335 m), là khu vực có thắng cảnh đẹp, khí hậu mát mẻ trong lành, cùng với những di tích lịch sử văn hóa như chùa chiền, hang động. Các lễ hội diễn ra vào dịp đầu năm Âm lịch, thu hút một lượng khách du lịch lớn trong tỉnh và các tỉnh Nam Bộ. Hàng năm thu hút hơn 2,5 triệu lượt khách tham quan.

* Các hạng mục, dự án ưu tiên đầu tư vào khu du lịch quốc gia núi Bà Đen

Đơn vị: tỷ đồng

TT Hạng mục, dự án đầu tư Kinh phí Nguồn vốn
1 Dự án phát triển du lịch khu trung tâm văn hóa – lễ hội – tâm linh

Núi Bà Đen

372,39
Dự án cải thiện vệ sinh môi trường di tích lịch sử, văn hóa Núi Bà Đen (Nguồn vốn ODA) 120,96 ODA
Dự án phát triển khu dịch vụ du lịch, không gian tổ chức lễ hội tâm linh 168,81 Đầu tư tư nhân và 80% Phí, lệ phí
Dự án xây dựng, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật 7,62 80% Phí, lệ phí
2 Các dự án vui chơi giải trí 1.870,00 Đầu tư tư nhân
Khu trường đua xe 1.650,00 Đầu tư tư nhân
Khu vui chơi giải trí tổng hợp 220,00 Đầu tư tư nhân
3 Các dự án phát triển khu lưu trú, nghỉ dưỡng 572,00 Đầu tư tư nhân
Tổ hợp du lịch Ma Thiên Lãnh 572,00 Đầu tư tư nhân
4 Khu đỉnh Núi Bà Đen: ngoạn cảnh, thiền 258,00 Đầu tư tư nhân
5 Dự án phát triển khu sinh thái, các vườn thực vật, bảo tồn gen và hệ thống điểm ngắm cảnh, khu cắm trại 138,00 Đầu tư tư nhân
6 Dự án phát triển công viên đô thị 66,00 Nguồn vốn đầu tư phát triển và 80% phí, lệ phí
7 Dự án phát triển du lịch cộng đồng làng Khedol 53,50 Đầu tư tư nhân
8 Dự án khu trường bắn thể thao 30,00 Đầu tư tư nhân

* Phân khu chức năng khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen:

– Khu tâm linh – lễ hội: Gồm các phân khu:

+ Không gian tổ chức lễ hội, tâm linh hiện trạng: Khoảng 40 – 45 ha.

+ Khu vực dịch vụ du lịch: Khoảng 16 –  20 ha.

+ Khu bến bãi đỗ xe, quảng trường, không gian công cộng: 20 – 26 ha.

– Khu trường bắn thể thao: Khoảng 50 – 55 ha.

– Khu công viên đô thị: Khoảng 140 – 150 ha.

– Khu tổ hợp du lịch Ma Thiên Lãnh: Khoảng 90 – 100 ha.

– Khu công viên vui chơi giải trí tổng hợp: Khoảng 110 – 120 ha.

– Trường đua xe mô tô và ô tô địa hình: Khoảng 200 – 220 ha.

– Làng du lịch cộng đồng Khedol: Khoảng 60 – 70 ha.

* Nội dung cụ thể các phân khu:

– Khu tâm linh lễ hội: Bao gồm hệ thống các Chùa, Thiền viện và hệ thống Cáp treo, Máng trượt hiện có. Đây là không gian du lịch truyền thống của núi Bà Đen và trong tương lai vẫn là nơi tập trung các hoạt động du lịch tâm linh – lễ hội của núi Bà Đen.

Các hoạt động cụ thể ở khu chức năng này bao gồm hoạt động du lịch tâm linh, lễ hội gắn với các công trình tôn giáo của núi Bà Đen và các dịch vụ bổ trợ cho hoạt động chính này. Hệ thống các công trình ở khu chức năng này bao gồm: Hệ thống các công trình tôn giáo, các hệ thống vận chuyển khách lên núi (cáp treo, máng trượt), các công trình dịch vụ ăn uống, mua sắm, các bãi đỗ xe, quảng trường, không gian công cộng… Điểm xuất phát của tuyến cáp treo kéo dài lên đỉnh núi (dự kiến) cũng xuất phát từ khu chức năng này và nằm gần điểm cuối của tuyến cáp treo hiện có. Một số hoạt động giải trí, tham quan, thư giãn đơn giản có thể được tổ chức ở khu vực Hàm Rồng (gần Vạn Pháp Cung) cũng như trên mặt hồ và xung quanh mặt hồ hiện trạng, tuy nhiên quy mô nhỏ để có thể gìn giữ được không gian tự nhiên như hiện trạng.

– Khu trường bắn thể thao: Hiện là trường bắn quân sự, khi được cải tạo thêm có thể được khai thác phục vụ các hoạt động du lịch thể thao bắn súng. Tuy nhiên, để có thể đưa vào kết hợp khai thác phục vụ du lịch cần bổ sung một số công trình cần thiết cho hoạt động bắn súng thể thao phù hợp, cũng như các biện pháp đảm bảo an ninh an toàn.

– Khu Công viên đô thị: Khu vực này sẽ kết nối trực tiếp với trung tâm thành phố bằng hành lang nước (Suối Ông Tuấn) và đường đi bộ, không gian này sẽ bao gồm công viên, vườn cây, đường đi dạo, các nhóm công trình dịch vụ nhỏ. Với định hướng chức năng của khu này, đây sẽ là một không gian đệm giữa trường bắn và khu tâm linh – lễ hội với khu vực phát triển mới (vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng) của khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, giữa không gian núi và không gian trung tâm đô thị của thành phố Tây Ninh. Đây sẽ là không gian công viên cây xanh quan trọng của thành phố. Các công trình phát triển trong khu chức năng này gồm một số các điểm dịch vụ ăn uống, giải khát nhỏ, các công trình vệ sinh công cộng.

– Khu tổ hợp du lịch Ma Thiên Lãnh: Là một tổ hợp vui chơi giải trí, công viên nước, nghỉ dưỡng tổng hợp gắn với hồ nhân tạo và đập nước ở Ma Thiên Lãnh và chân núi Phụng. Dự kiến trong khu vực này khi hoàn thành sẽ có khoảng 450 buồng lưu trú với các quy mô, tính chất khác nhau gồm các khu biệt thự, nhà nghỉ sinh thái, bungalow. Đây là một khu chức năng quan trọng của khu du lịch quốc gia núi Bà Đen. Khu vực này dự kiến sẽ xây dựng một đập nước nhằm tạo một hồ nước nhân tạo. Các phân khu chức năng cụ thể bao gồm: Khu nghỉ dưỡng sinh thái, khu vui chơi giải trí nước (trên mặt hồ nước nhân tạo), câu cá, các hoạt động vui chơi giải trí trong rừng cây (nhà trên cây, các tuyến đi bộ trên cao, đu dây, khu bắn súng sơn…). Các công trình lưu trú và hoạt động vui chơi giải trí ở đây có tính chất gần gũi với thiên nhiên nhằm hạn chế tối đa các tác động tới địa hình, thảm thực vật, cảnh quan môi trường khu vực.

– Khu công viên vui chơi giải trí tổng hợp: Là khu vực đất bằng chạy đến sát chân núi, có một số hồ nước và vách đá thẳng đứng (hình thành do hoạt động khai thác đá). Khu vực này được xây dựng thành một công viên vui chơi giải trí chuyên đề (Theme park) với các hoạt động thể thao, vui chơi giải trí như leo núi thể thao (tại các vách núi thẳng đứng), câu cá, các trò giải trí cảm giác mạnh (bánh xe quay, tàu trượt cao tốc…). Ngoài ra, khu vực này có thể xây dựng các sân khấu ngoài trời, sân khấu nhạc nước (tại các hồ nước hình thành do khai thác vật liệu xây dựng)…

Đây là khu chức năng hoạt động như một công viên vui chơi giải trí chuyên đề (Theme park) theo mô hình Disney Land với các hoạt động thể thao và kết hợp trung tâm mua sắm. Các hoạt động vui chơi giải trí, thể thao mang tính chất nhân tạo nhiều hơn so với các khu chức năng khác. Ngoài các hoạt động vui chơi giải trí cảm giác mạnh như tàu trượt cao tốc, các bánh xe quay, đu quay, nhà gương, nhà kinh dị còn có các trò chơi cho các lứa tuổi khác nhau, các hoạt động thể thao (thể thao nước, leo núi thể thao trên các vách núi thẳng đứng), trượt băng, nhà tuyết, khinh khí cầu, sân thể thao (tennis, cầu lông, bóng rổ, bóng chuyền, bóng đá mini…), các hoạt động nghệ thuật giải trí (sân khấu ngoài trời, sân khấu nhạc nước, xiếc, rạp chiếu phim…). Các vách đá thẳng đứng hình thành do hoạt động khai thác đá là điều kiện lý tưởng để cải tạo thành các điểm tổ chức hoạt động leo núi thể thao.

– Khu Trường đua xe mô tô, ô tô địa hình: Khi được xây dựng hoàn chỉnh, khu vực này hoàn toàn có thể trở thành một trung tâm đua xe thể thao, địa hình hấp dẫn của khu vực. Ở khu chức năng này có thể bao gồm nhiều đường đua đa dạng như: Đua xe địa hình (nhiều cấp độ phức tạp và nguy hiểm khác nhau), đua xe trên các đường đua bằng, đường đua tập…. Khán đài quan sát các sự kiện đua xe có thể có sức chứa 20.000 – 30.000 chỗ. Với trường đua này, có thể tổ chức các sự kiện đua xe hàng năm, thu hút các tay đua cả nghiệp dư và chuyên nghiệp từ trong nước cũng như ngoài nước tham dự. Các sự kiện này, bên cạnh ý nghĩa về thể thao còn là cơ hội thu hút khách đặc biệt của núi Bà Đen và là một hình thức quảng bá du lịch núi Bà Đen hiệu quả. Nằm giữa các đường đua là vùng đệm cây xanh nhằm giảm thiểu tác động tới cảnh quan và môi trường khu vực bảo tồn.

– Làng du lịch cộng đồng Khedol: Ở khu vực xung quanh điểm giao cắt đường ĐT 785 và đường Suối Đá – Khedol là làng Khedol. Tại đây có thể phát triển thành làng du lịch cộng đồng Khmer và làng nghề với mục đích bảo tồn truyền thống văn hóa và khai thác phát triển du lịch cộng đồng. Khu chức năng này sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống sản phẩm du lịch của núi Bà Đen. Các công trình quan trọng của khu chức năng này gồm: Chùa Khedol, nhà cộng đồng, một số khu lưu trú trong nhà dân (Homestay). Các hoạt động du lịch ở đây mang tính chất du lịch cộng đồng, tìm hiểu văn hóa, đời sống người dân địa phương. Hoạt động du lịch nông nghiệp, tìm hiểu và tham gia trực tiếp vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp như trồng lúa, mãng cầu, mía… sẽ là một sản phẩm du lịch hấp dẫn với thị trường.

– Đỉnh núi Bà Đen: Đây cũng là một khu chức năng mới sẽ đi vào hoạt động trong tương lai của khu du lịch quốc gia núi Bà Đen với các hoạt động chủ yếu là tham quan, ngắm cảnh, ngoạn cảnh, thiền… Trên đỉnh núi hiện có tháp phát sóng của đài phát thanh truyền hình tỉnh, trạm thu phát của công an, sân bay trực thăng cũ và một số công trình cũ còn lại từ thời kỳ chiến tranh. Trên đỉnh núi có thể xây dựng một số đài quan sát, ngắm cảnh và tạo không gian thiền. Từ trên đỉnh núi cũng có thể xem xét lựa chọn địa điểm tổ chức hoạt động dù lượn mạo hiểm là một hoạt động thể thao, giải trí mới và rất hấp dẫn hiện nay.

  1. Dự án xây dựng Khu công viên du lịch sinh thái Bến Trường Đổi

– Mục tiêu: Xây dựng khu vui chơi giải trí thanh thiếu niên, khu thể dục thể thao, câu cá, nghỉ dưỡng, khu thế giới thu nhỏ, vườn hoa thế giới.

– Địa điểm: Phường 1, phường 2 thành phố Tây Ninh.

– Quy mô: 99,6 ha.

– Hệ thống giao thông: Dự án nằm ngay trung tâm thành phố rất thuận lợi để phát triển và kết nối với các điểm du lịch trong, ngoài tỉnh và quốc tế.

– Tiềm năng: Cảnh quan đẹp, phù hợp với nhiều loại hình vui chơi giải trí; nhu cầu cần có một khu liên hợp vui chơi giải trí tại trung tâm thành phố Tây Ninh cho người dân.

  1. Dự án Khu du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát

– Mục tiêu: Xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ tham quan du lịch, xây dựng các tuyến du lịch sinh thái, về nguồn, nghỉ dưỡng, nghiên cứu khoa học.

– Địa điểm: Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh.

– Quy mô: Tổng diện tích rừng là 18.806 ha, diện tích khu hành chính và trung tâm 125 ha.

– Hệ thống giao thông: Nằm trên địa phận 3 xã Tân Lập, Tân Bình, Hoà Hiệp thuộc huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, cách thành phố Tây Ninh khoảng 40 km về phía Bắc, Tây Bắc theo Quốc lộ 22B, rất thuận lợi cho việc kết nối với các địa điểm du lịch trong, ngoài tỉnh và quốc tế.

– Tiềm năng: Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát nằm ở phía Tây vùng đất thấp miền Đông Nam Bộ có hệ động thực vật phong phú, đa dạng với nhiều loại quý hiếm được ghi vào sách đỏ Việt Nam. Địa hình nơi đây khá bằng phẳng, cảnh quan đẹp, phù hợp với du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, nghiên cứu về hệ sinh thái của rừng… Đồng thời, có thể kết nối với du lịch truyền thống Căn cứ Trung ương Cục miền Nam trên địa bàn xã Tân Lập, huyện Tân Biên, giao thông thuận lợi cho liên kết với trụ sở Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát và Cửa khẩu quốc tế Xa Mát.

* Hạng mục đầu tư

Đơn vị: triệu đồng

STT Hạng mục đầu tư/công trình Nội dung
Diện tích

(ha)

Chức năng Nguồn vốn
1 Khu trung tâm Du lịch sinh thái suối Đa – Ha 0,01 Các phòng chức năng, chuyên môn, nơi đón tiếp và hướng dẫn cho khách du lịch, đăng ký, chương trình tuyên truyền và quảng cáo thông tin. 500
2 Nhà khách Trung tâm suối Đa – Ha 0,05 Xây dựng 10 nhà nghỉ trong rừng Dầu Nước và Dầu Song Nàng sau trạm đón tiếp ven suối Đa – Ha. 2.000
3 Trạm dừng chân tại các trảng cỏ bán ngập nước trong rừng 0,035 Xây dựng 01 nhà nghỉ công cộng theo mô hình “mở” trong rừng, tại các trảng cỏ bán ngập nước vườn quốc gia. 500
4 Các trạm hướng dẫn và hỗ trợ cho du khách 0,03 Nâng cấp các trạm bảo vệ rừng và kiểm soát trong rừng thành các nơi hỗ trợ và hướng dẫn du khách đi trong rừng. 450
5 Khu làng du lịch sinh thái – nông lâm nghiệp xã hội và văn hóa bản địa 0 Hỗ trợ cho một số hộ dân trong khu vực bên ngoài vùng lõi phát triển chương trình bảo tồn hình thức canh tác mang tính đặc thù của địa phương, là nơi tiếp nhận, trao đổi văn hóa giao lưu với du khách và người dân địa phương. Văn hóa ẩm thực và làng nghề truyền thống. 500
6 Bến thuyền 0,015 Xây dựng 03 bến thuyền phục vụ cho du lịch sinh thái: Bến Lò Gò, bến Tà Nốt và suối Đa – Ha. Bao gồm cả thuyền đi lại đưa đón khách trong thời gian 3 tháng mùa mưa. 750
7 Khu nhà ăn 0,01 Xây dựng 01 nhà ăn tập thể phục vụ cho khách du lịch tại Trung tâm Suối Đa – Ha cùng với thiết bị. 300
8 Trung tâm thông tin tư liệu giới thiệu văn hóa lịch sử 0,01 Nơi hướng dẫn cho du khách tìm hiểu những thông tin về lịch sử cách mạng hào hùng của khu rừng lịch sử Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát. 600
9 Trạm quan sát chim và canh gác bảo vệ rừng 0,05 Xây dựng các chòi quan sát chim và quan sát rừng kết hợp với bảo vệ canh gác phòng chống cháy rừng (5 trạm). 500
10 Khu vườn sưu tập trung tâm sân bay Thiện Ngôn 2 Là nơi lưu trữ bảo tồn ngoại vi những loài thực vật đặc trưng của Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát. 1.000
11 Khu du lịch sinh thái vườn 360 Hỗ trợ người dân phát triển các vườn cây ăn trái, cây công nghiệp, các mô hình vườn rừng, ao cá, cây cảnh, các quán ăn gia đình, các nghề truyền thống, âm nhạc và lễ hội dân tộc. 7.200
  1. Dự ánKhudu lịch đập Tha La

– Mục tiêu: Xây dựng thành khu vui chơi, giải trí, thư giãn.

– Địa điểm: Đập Tha La, xã Suối Dây, thị trấn Tân Châu, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh.

– Tổng diện tích quy hoạch: 15 ha.

– Hệ thống giao thông: Dự án nằm ngay trung tâm thị trấn Tân Châu thuận lợi để phát huy tiềm năng du lịch tại địa bàn; kết nối tốt với các điểm du lịch trong, ngoài tỉnh và quốc tế.

– Tiềm năng: Cảnh quan đẹp; nhu cầu cần có một khu liên hợp vui chơi giải trí phục vụ cho người dân thị trấn Tân Châu và các Khu, Cụm Công nghiệp, Nhà máy xi măng Fico trong khu vực cũng như nhu cầu ngày càng cao của người dân trong và ngoài tỉnh.

  1. Dự ánKhu du lịch truyền thống

Dương Minh Châu

– Mục tiêu: Đầu tư xây dựng khu sinh hoạt truyền thống, vui chơi, giải trí và du lịch “Về nguồn” tại khu vực rừng lịch sử, mở rộng ra mặt hồ cùng với cơ sở hạ tầng cho bến du thuyền đưa khách du ngoạn trên mặt hồ và ra các đảo…

– Địa điểm: Khu rừng lịch sử Dương Minh Châu, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh.

– Quy mô: Tùy theo vị trí, dự án cụ thể và khả năng cho phép nhà đầu tư quyết định quy mô phù hợp với dự án.

– Hệ thống giao thông: Cách thành phố Hồ Chí Minh 90 km, có thể kết nối với các địa điểm du lịch trong, ngoài tỉnh và quốc tế.

– Tiềm năng: Đây là khu di tích, nơi ra đời Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Nhà nước đã đầu tư Khu trung tâm và hạ tầng ngoài hàng rào. Với gần 200 ha rừng trồng hơn 30 năm tuổi, ngay bờ hồ Dầu Tiếng, khu này rất thích hợp phát triển du lịch truyền thồng, về nguồn cùng các loại hình du lịch gắn với rừng và mặt nước hồ. Khi được đầu tư, nơi đây sẽ là điểm hội tụ của chuỗi hoạt động gắn với các điểm lịch sử: Địa đạo Củ Chi, Căn cứ cách mạng miền Nam tại Bời Lời, Núi Bà Đen, Trung ương Cục miền Nam…

  1. Dự án sân golf kết hợp khu nghỉ dưỡng hữu nghị tại Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài

– Mục tiêu: Phục vụ nhu cầu vui chơi, nghỉ dưỡng của khách du lịch, người dân địa phương.

– Địa điểm: Thuộc Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.

– Quy mô: Diện tích 133 ha.

– Khu sân golf  bao gồm các hạng mục chính sau: Sân golf 18 lỗ, quảng trường, kênh đào, văn phòng, khu mua sắm thương mại miễn thuế, khách sạn, nhà hàng, hồ bơi, trung tâm triển lãm, khu giải trí tiêu chuẩn quốc tế, sân tennis, bãi xe.

– Hiện trạng cấp điện: Khu vực sử dụng điện lưới quốc gia đường dây 15 – 22 KV từ trạm biến thế 110 KV ở huyện Trảng Bàng.

– Hiện trạng mạng lưới thông tin liên lạc: Hiện tại Khu đô thị cửa khẩu Mộc Bài đang có mạng điện thoại đầy đủ hoàn chỉnh với dung lượng lớn.

  1. Dự án Phát triển loại hình du lịch cộng đồng nghề làm bánh tráng phơi sương huyện Trảng Bàng

– Mục tiêu: Giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia – nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng; là cầu nối để các nhà sản xuất và các doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn… trong và ngoài tỉnh mở rộng quan hệ giao thương, giao lưu, hợp tác với các vùng lân cận; góp phần phát triển du lịch của tỉnh Tây Ninh.

– Địa điểm: Thị trấn Trảng Bàng, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.

– Quy mô: Nhà đầu tư quyết định quy mô phù hợp với dự án.

– Hệ thống giao thông: Cách thành phố Hồ Chí Minh 50 km, kết nối thuận lợi với các địa điểm du lịch trong, ngoài tỉnh và quốc tế. 

– Tiềm năng: Tạo ra hình ảnh mới về du lịch Tây Ninh; môi trường kinh doanh du lịch và sản phẩm du lịch cộng đồng nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng độc đáo chỉ có ở Tây Ninh vùng đất Trảng, có chất lượng đối với thị trường khách du lịch nội địa và quốc tế, bánh tráng sẽ được xuất khẩu tại chỗ cho du khách. Đây là dự án tiềm năng rất lớn và có hiệu quả cho các nhà đầu tư.

  1. Dự án Phát triển sản phẩm du lịch làng nghề mây tre nứa

– Mục tiêu: Gắn kết các điểm du lịch có sẵn trong tỉnh với điểm làng nghề và du khách tham quan, tạo sự phối hợp giữa cơ sở sản xuất chế biến với các hãng lữ hành trong việc xây dựng chương trình du lịch, tổ chức các đoàn khách đến tham quan và kết hợp công tác xúc tiến, quảng bá tiềm năng tài nguyên của tỉnh; nhằm tạo ra đa dạng sản phẩm du lịch cho tỉnh.

– Địa điểm: Xã Long Thành Trung, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh.

– Quy mô: Nhà đầu tư quyết định quy mô phù hợp với dự án.

– Hệ thống giao thông: Cách thành phố Hồ Chí Minh 100 km, kết nối thuận lợi với các địa điểm du lịch trong, ngoài tỉnh và quốc tế. 

– Tiềm năng: Tạo ra hình ảnh mới về du lịch Tây Ninh; sản phẩm du lịch mới có chất lượng; môi trường kinh doanh du lịch đối với thị trường khách du lịch và các nhà đầu tư, xuất khẩu tại chỗ sản phẩm mây, tre, đan, lát cho du khách.

Nguồn:CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH TÂY NINH 

 

Tin liên quan

WordPress Video Lightbox Plugin