Đến Tây Ninh thăm Di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam


Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam nằm cách Tp. Tây Ninh khoảng 60km về phía Bắc, sát biên giới Việt Nam – Campuchia. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, miền Đông Nam Bộ nói chung và Tây Ninh nói riêng là địa bàn chiến lược quan trọng, cơ quan đầu não cách mạng miền Nam trong một thời gian dài trực tiếp chỉ đạo, lãnh đạo cách mạng cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

 

Nhà ở và làm việc của đồng chí Phạm Hùng

 

Trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc ta (1945 – 1975), miền Đông Nam Bộ nói chung và tỉnh Tây Ninh nói riêng là địa bàn chiến lược rất quan trọng. Với địa hình núi rừng trải rộng nối liền từ Nam Tây Nguyên, cực Nam Trung Bộ đến đồng bằng Tây Nam Bộ, cùng với các tầng lớp nhân dân, các dân tộc có truyền thống yêu nước nối tiếp nhau từ nhiều thế hệ là điều kiện để Đảng ta chỉ đạo hình thành nhiều căn cứ kháng chiến, xây dựng hệ thống căn cứ địa liên hoàn, tạo thế đứng vững chắc cho lực lượng kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.

 

Cuối năm 1950, sau thất bại ở chiến trường Biên giới Thu Đông, cục diện chiến trường thay đổi, thực dân Pháp thất bại lớn cả về quân sự và chính trị, bị đẩy lùi vào thế phòng ngự bị động. Để giành lại quyền chủ động, thực dân Pháp tiến hành củng cố lại quân đội viễn chinh, đẩy mạnh việc bình định trong vùng kiểm soát, thực hành càn quét nhằm đẩy lực lượng kháng chiến sâu vào vùng căn cứ… Hoạt động của địch làm cho tình hình kháng chiến ở Nam Bộ gặp nhiều khó khăn, phong trào du kích chững lại, nhiều cơ sở bị vỡ, các căn cứ kháng chiến bị thu hẹp. Trước tình đó đòi hỏi cách mạng miền Nam cần phải củng cố tổ chức cơ sở Đảng, xây dựng vùng kháng chiến vững chắc. Ngày 21/7/1954, Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương được ký kết. Cuộc kháng chiến của quân dân ta chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi. Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, ở miền Nam nhiệm vụ cách mạng đã thay đổi, chuyển từ đấu tranh vũ trang sang đấu tranh chính trị để phù hợp với điều khoản Hiệp định đã ký kết. Cuối năm 1960, Phong trào “Đồng khởi” đã giáng đòn nặng nề vào chính sách thực dân mới của Mỹ, làm lung lay tận gốc chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, đánh dấu bước phát triển của cách mạng miền Nam chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công. Ngày 23/01/1961, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần 3 (khóa III) quyết định thành lập lại Trung ương Cục miền Nam. Thời kỳ đầu, căn cứ Trung ương Cục miền Nam đóng tại Suối Nhung, Mã Đà, chiến khu D, tỉnh Đồng Nai. Sau một thời gian, Trung ương Cục xét thấy căn cứ ở chiến khu D có địa hình núi rừng hiểm trở rất an toàn, nối liền thông suốt với Tây Nguyên, miền Trung và miền Bắc, dễ tiếp nhận chi viện và giúp đỡ của Trung ương nhưng không thuận lợi cho việc chỉ đạo phong trào đấu tranh ở Sài Gòn và các vùng nông thôn Nam Bộ. Mặt khác, việc ăn ở và tiếp tế để đảm bảo đời sống và sức khỏe cán bộ ở đây gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, Trung ương Cục quyết định chuyển căn cứ về phía Tây Bắc, vùng Bắc Tây Ninh, giáp biên giới Campuchia. Ở đây, có địa hình tương đối bằng phẳng, khí hậu và thời tiết ít khắc nghiệt hơn, hơn nữa vừa giải quyết được vấn đề lương thực, thực phẩm; thuận lợi cho việc lãnh đạo phong trào đấu tranh chính trị và quân sự trên cả vùng Nam Bộ.

 

Đầu năm 1967, Mỹ mở cuộc hành quân lớn nhất trong chiến tranh Việt Nam mang tên Junction City đánh vào căn cứ Bắc Tây Ninh từ ngày 22/2 đến 15/4/1967 nhằm mục đích “tìm diệt” căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Bộ Chỉ huy Miền, Đài phát thanh Giải phóng… Mỹ huy động 45.000 quân, gồm 22 tiểu đoàn Mỹ, ba tiểu đoàn ngụy và 1.200 xe tăng – thiết giáp, 256 khẩu pháo, 300 máy bay trực thăng, ba phi đoàn máy bay vận tải… Sau 53 ngày đêm, cuộc hành quân trên bộ lớn nhất của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam không đạt được mục tiêu nào đề ra, bị loại gần một phần tư số quân trực tiếp tham chiến, mất một phần ba số tăng – thiết giáp, gần phân nửa số trực thăng và pháo. Căn cứ Trung ương Cục miền Nam đã được bảo vệ vững chắc cho đến ngày giải phóng miền Nam, nước nhà thống nhất. Trung ương Cục miền Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lãnh đạo cách mạng miền Nam, khẳng định đường lối đúng đắn, sáng suốt của Đảng.

 

Thế hệ trẻ về Tây Ninh đến với di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam để tìm hiểu rõ hơn về các dấu mốc lịch sử đặc biệt của di tích này

 

Căn cứ Trung ương Cục miền Nam là nơi lưu lại những chứng tích, những kỷ niệm về cuộc đời hoạt động cách mạng hết sức gian khổ, hy sinh, nhưng rất đỗi tự hào của nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng cùng bao cán bộ, chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên địa bàn miền Nam, đặc biệt là chiến trường Nam Bộ. Với tầm vóc và ý nghĩa lịch sử to lớn đó, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1990 và được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2012. Hiện nay, Di tích đã được đầu tư, phục dựng lại như nguyên bản, gồm 3 phân khu chức năng khu di tích, khu tưởng niệm, khu bảo tồn cảnh quan thiên nhiên – du lịch. Điểm dừng chân đầu tiên là Nhà trưng bày di tích lịch sử gồm khoảng 1.000 hình ảnh, hiện vật mô phỏng lại đời sống, sinh hoạt và chiến đấu của các chiến sĩ cách mạng tại chiến khu xưa, như mô hình căn nhà lá của cố Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, chiếc bàn làm việc của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, xe đạp của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, súng tự tạo mang tên “Ngựa trời” và sa bàn về toàn bộ khu căn cứ…  Theo con đường nhỏ quanh co dẫn tới khu nhà lá đơn sơ ẩn mình trong những lùm cây rậm rạp, gồm nhà hội họp tập thể, nhà ở của cán bộ và chiến sĩ. Trong các khu nhà, nhiều vật dụng mà các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã từng sử dụng như chõng tre, tủ, kệ, bàn, ghế, tài liệu, túi da, bút, đài, đèn… đều được để đúng vị trí như trước đây. Bên cạnh mỗi căn nhà là một hầm chữ A nửa chìm, nửa nổi. Các hầm này được nối với nhau bởi hệ thống giao thông hào liên hoàn dài hàng chục cây số, đan xen như mạng nhện…

 

Đến với Căn cứ Trung ương Cục miền Nam ngày nay, du khách sẽ cảm nhận sâu sắc hơn về địa bàn chiến lược, cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam những năm kháng chiến, hiểu hơn về những năm tháng chiến tranh ác liệt và những đóng góp, hy sinh của lớp cha anh đi trước, góp phần to lớn tạo nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Căn cứ Trung ương Cục miền Nam đã trở thành địa chỉ đỏ trong hành trình du lịch về nguồn, có giá trị lớn đối với giáo dục truyền thống và là điểm đến hấp dẫn, mỗi năm thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách trong và ngoài nước…

 

Nguồn: Báo Du lịch

Tin liên quan

WordPress Video Lightbox Plugin