Để du lịch phát triển hài hòa với di sản


Đẩy mạnh du lịch rừng trên cơ sở phát huy di sản văn hóa bản địa là một trong những hướng phát triển rất được du khách nước ngoài ưa chuộng, tuy nhiên thị trường này vẫn còn bỏ ngỏ, hoặc đang manh nha nhưng thiếu tính bền vững. Đáng chú ý, vấn đề bảo vệ môi trường, phát huy di sản văn hóa bản địa chưa được chú trọng, thành ra du lịch đi đường du lịch, còn di sản vẫn đi đường di sản, chưa có sự kết hợp để tạo ra hiệu quả…

 

Tràng An (Ninh Bình) là điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước

 

 Hiện nay hoạt động du lịch rất đa dạng, trong đó xu hướng của thế giới họ muốn tìm hiểu về du lịch rừng ngày càng nhiều, ở đó bao gồm cả tìm hiểu về sự đa dạng văn hóa nơi đây. Ở nước ta, lấy ví dụ ở khu vực Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng, nằm trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang là một nơi lý tưởng cho việc phát triển du lịch theo hình thức này. Đây là hệ sinh thái đầu nguồn, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các dòng sông Đồng Nai, Serepok, Mekong và một số sông suối khu vực hạ lưu khác. Nơi đây có đồng bào K’ho là cư dân bản địa sinh sống lâu đời ở vùng cao nguyên Lang Biang, thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer, dân số năm 2019 vào khoảng 203.800 người, bao gồm nhiều nhóm địa phương như Srê, Chil, Nộp, Lạch (Lạt), T’ring và K’Don. Trong đó, nhóm Chil cóđịa bàn sinh sống tập trung lâu đời trong vùng lõi và vùng đệm của Vườn Quốc gia Biduop – Núi Bà, dân số người Chil gần 11.000 hộ với trên 56.000 nhân khẩu. Đặc biệt, ở giữa rừng nguyên sinh của Vườn Quốc gia này vẫn còn nhiều làng của người K’ho sinh sống như làng Liêng Ca, Đưng Ya Giêng…

 

Người K’ho sống và khai phá vùng đất này lâu đời, nên nguồn gốc đất đai của họ là tự khai phá hoặc thừa kế từ gia đình. Hiện nay, do nhu cầu cuộc sống, một số hộ K’ho trong vùng lõi đã bán rẫy của họ cho các tộc người khác để phát triển nuôi cá tầm, trồng rau nhà kính,… Khu vực này có những giá trị văn hóa bản địa của nhiều tộc người, việc phát huy tri thức bản địa của cộng đồng trong quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước, hướng tới khôi phục văn hóa bản địa người K’ho với việc xây dựng bảo tàng sống trong vùng lõi Vườn Quốc gia Biduop – Núi Bà, góp phần ổn định sinh kế cộng đồng và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên rất cần được quan tâm.

 

Qua khảo sát chúng tôi nhận thấy, trong quá trình trải nghiệm sâu về du lịch rừng, du khách rất mong muốn giao lưu văn hóa tộc người, tìm hiểu về ẩm thực, âm nhạc, đời sống sinh hoạt, lao động… của đồng bào. Nắm bắt nhu cầu này của du khách mà khai thác tốt, chúng ta sẽ quảng bá được văn hóa bản địa và sự đa dạng văn hóa đến các nước bạn. Thế nhưng hiện nay khu vực này vẫn chưa thấy phát triển các hoạt động giáo dục về bảo vệ rừng và bảo vệ văn hóa bản địa. Thực tế cho thấy, khi mà phát triển các hoạt động du lịch dựa vào rừng, khi nhờ rừng mà phát triển du lịch, tạo ra sinh kế thì đồng bào sẽ bảo vệ rừng và nhờ đó rừng sẽ rộng lớn hơn. Lúc này, đồng bào có thể yên tâm nuôi trồng những sản vật lâu đời của địa phương như trồng bắp, rau, nuôi gà, heo… để cung cấp nhu cầu du khách. Ngược lại, khi cho rằng rừng không đủ khai thác để sinh kế, nguy cơ người ta sẽ phá rừng, chặt cây trong rừng để nuôi trồng sản phẩm khác, mà tình trạng nuôi cá tầm, trồng rau nhà kính… đang phát triển khá mạnh, về lâu về dài ảnh hưởng rất lớn đến môi trường.

 

Do đó, nếu chúng ta chú trọng các hoạt động gắn với môi trường rừng để vận hành, nhờ vào du lịch rừng để đồng bào bán được sản phẩm do mình nuôi trồng, ngoài ra họ còn làm hướng dẫn cho du khách, tổ chức trưng bày, giới thiệu và biểu diễn âm nhạc dân tộc chẳng hạn,… nhờ những hoạt động này mà ổn định sinh kế lâu dài, thì đồng bào sẽ bảo vệ và rừng sẽ ngày càng mở rộng ra. Từ đây, không chỉ giữ được rừng, tái lập lại các giá trị văn hóa rừng đang có nguy cơ mai một đi, bảo tồn và phát huy văn hóa bản địa mà còn quảng bá được văn hóa mình ra nước ngoài.

 

Cái dở của chúng ta hiện nay, thường các công ty du lịch chỉ chú trọng vào lợi nhuận kinh tế, khai thác những thứ trước mắt mà hầu như họ quên mục tiêu sâu xa, cần làm những bước gì để đạt mục tiêu này một cách bền vững. Các đơn vị chỉ chăm chăm vào việc khai thác mà thiếu quan tâm môi trường, mở rộng rừng, bảo vệ nguồn nước và bảo tồn văn hóa tộc người. Để phát triển du lịch xanh, cần một sự vận hành đồng bộ, với nguyên tắc phải hoàn toàn sử dụng sản phẩm bản địa, của những người bản địa nuôi trồng. Khi lợi ích hài hòa giữa các bên liên quan thì mục đích lớn thành công, chứ hiện nay du lịch đi đường du lịch, họ không quan tâm đến rừng, đến di sản, di sản khai thác được thì họ cứ khai thác thôi… Đó là mặt hạn chế chúng ta chưa khắc phục được.

 

Hiện nay trên thế giới ước tính có khoảng 120 triệu hikker, những người thích hoạt động trải nghiệm này. Họ có tri thức và quý trọng rừng, họ sẵn sàng tiêu tiền để trải nghiệm. Việc cần làm hiện nay là xây dựng các tour tuyến gắn với rừng, khai thác có hiệu quả đặc trưng văn hóa các dân tộc Việt Nam, đó là lợi thế của mình, cần chú trọng để quảng bá. Đặc biệt khi chúng ta mở cửa hoàn toàn du lịch, trong thời điểm Covid như hiện nay thì những loại hình du lịch ít người, ở những môi trường trong lành, mát mẻ và yên tĩnh rất được du khách ưa chuộng. 

 

 

Nguồn: PGS.TS LÂM NHÂN – Báo Văn hóa

Tin liên quan

WordPress Video Lightbox Plugin