Đặc sắc Đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung của Cao Đài Tây Ninh


Mảnh đất Tây Ninh vốn nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp như núi Bà Đen, sông Vàm Cỏ Đông, hồ Dầu Tiếng,… Đây cũng là nơi đánh dấu sự ra đời của đạo Cao Đài với Toà thánh Tây Ninh, một công trình kiến trúc tôn giáo độc đáo và là trung tâm hành chính của Hội thánh Cao Đài Tây Ninh hiện nay.

 

Hàng năm, có rất nhiều lễ hội tôn giáo đặc sắc của đạo Cao Đài được diễn ra tại đây, nhưng Hội Yến Diêu Trì Cung là lễ hội lớn nhất, quan trọng nhất được tổ chức vào ngày Rằm tháng Tám âm lịch. Trung thu năm nào cũng vậy, người tín đồ Cao Đài và du khách từ khắp mọi miền quê lại nô nức kéo về Tây Ninh để tham dự hội lễ. Hội Yến Diêu Trì Cung đã trở thành ngày hội văn hóa truyền thống của người dân vùng Tây Ninh và các tỉnh Nam Bộ.

 

Theo nguồn sử liệu của đạo Cao Đài, sự tích Hội Yến Diêu Trì Cung bắt nguồn từ buổi cầu tiên vào đêm Trung thu năm Ất Sửu (1925), khi đó chưa khai mở đạo Cao Đài. Đó là một bữa tiệc chay long trọng mà các tín đồ Cao Đài dâng lên Đức Phật Mẫu và cửu vị Tiên Nương. Sự tích này được Hộ pháp Phạm Công Tắc mô tả lại trong một bài thuyết Đạo như sau: “Tuy buổi ban sơ mà dường như khối óc đã thâm nhiễm nhiều rồi, nên Đức Chí Tôn mới ra lịnh biểu làm một cái tiệc. Ngài dạy sắp đặt cái tiệc ấy để đãi 10 đấng vô hình: Đức Phật Mẫu và Cửu vị Tiên Nương. Phần hữu hình có ba người (Thượng sanh, Thượng phẩm và Hộ pháp). Sắp đặt tiệc ấy do tay bà Nữ Chánh Phối sư Hương Hiếu, vâng mạng lịnh tạo thành một cái tiệc, trên là bàn thờ Đức Phật Mẫu, ở dưới sắp chín cái ghế như có người ngồi vậy. Chén đũa, muỗng dĩa, bất kỳ cái gì cũng giống như đãi người hữu hình vậy, duy có ba người xác thịt là Thượng sanh, Thượng phẩm, Hộ pháp.

 

Bần đạo mới hỏi, tiệc nầy là tiệc gì?

 

Ngài nói là: Hội Yến Diêu Trì.

 

Ba người sống đồng ngồi ăn, còn Bà Chánh Phối Sư Hương Hiếu gắp đồ ăn để vào chén cho chín vị và trên bàn thờ cho Đức Phật Mẫu cũng như người sống vậy”. Sau khi đãi tiệc Hội Yến Diêu Trì xong, Đức Phật Mẫu và Cửu vị Tiên Nương giáng cơ cám ơn 3 ông: Tắc (Đức Hộ pháp), Cư (Đức Thượng phẩm), Sang (Đức Thượng sanh) và sau đó mỗi vị cho một bài thi 4 câu để làm kỷ niệm buổi Hội Yến đầu tiên ấy.

 

Người đạo Cao Đài quan niệm Hội Yến Diêu Trì Cung là ngày Đức Phật Mẫu đem bí pháp giải thoát chúng sanh, tận độ toàn vạn linh sanh chúng. Đây cũng là ngày tạo thành hình tướng hữu vi của đạo Cao Đài. Vì vậy, Rằm tháng Tám hàng năm, Hội thánh Cao Đài Tây Ninh đều long trọng tổ chức Đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung để tỏ lòng tôn kính đấng Đại Từ Mẫu, thể hiện tấm lòng biết ơn công lao trời biển của đấng sinh thành, có ý nghĩa trong việc phát huy truyền thống đạo đức của dân tộc và giữ gìn bản sắc văn hoá của người Việt Nam. Ngày 15 tháng 8 Âm lịch cũng được chọn là ngày lễ hội của phụ nữ Cao Đài, nên trong những ngày này Hội thánh tổ chức hội thi về nữ công gia chánh cho các tín nữ Cao Đài. Ngày 15 tháng 8 Âm lịch cũng là ngày Tết nhi đồng theo truyền thống của dân tộc, nên Hội thánh cũng tổ chức cho nhi đồng dâng đèn hoa vào lúc chiều tối ngày 14 và ngày 15, gọi là Dâng Cộ Đèn, sau đó phát quà cho các nhi đồng vào sáng ngày 16. Do đó, ngày Rằm tháng Tám Âm lịch được xem là ngày đại lễ lớn nhất trong năm của Đạo Cao Đài, bao gồm: Đại lễ cúng Đức Phật Mẫu, Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung, Lễ hội phụ nữ Cao Đài và Tết nhi đồng.

 

Trung thu năm nào cũng vậy, toàn thể tín đồ Cao Đài lại được tụ họp cùng nhau dưới mái nhà chung Đại Đạo để báo hiếu Đức Phật Mẫu vì công sinh thành dưỡng dục và phổ độ vào đường đạo với một tấm lòng thành kính. Đây cũng là dịp để họ bày tỏ lòng mình, chia sẻ niềm tôn kính với đấng siêu việt chung và niềm vui được sống bên nhau, quây quần bên bữa cỗ chay cùng chuyện trò thân mật. Hội Yến Diêu Trì Cung trở thành lễ hội truyền thống của đạo Cao đài, có sức lan toả trong cộng đồng, thu hút đông đảo tín đồ và nhân dân tham dự.

 

Khoảng một tuần trước ngày Rằm tháng Tám, nội ô Toà thánh Tây Ninh đã rộn ràng không khí khẩn trương chuẩn bị cho một mùa lễ hội lớn nhất trong năm. Hội thánh cho sửa sang lại các con đường, vườn hoa, cây cảnh, trang hoàng lại các cổng tam quan và dựng các dãy nhà rạp xung quanh Điện Thờ Phật Mẫu. Có một điều đáng quý là vào những ngày này, rất nhiều tín đồ Cao Đài đã tự nguyện về Tòa thánh để làm công quả. Người đạo Cao Đài quan niệm Rằm tháng Tám là dịp làm phúc đức nên người đạo ai nấy đều chẳng quản khó khăn, vất vả đều phấn khởi, hăng say làm các công việc trong Tòa thánh. Cơm nhà, việc đạo, ai ở xa hoặc khó khăn hơn thì đến bữa dùng cơm chay tại trai đường của Tòa thánh.

 

Lễ hội Yến Diêu Trì Cung bao gồm hai phần: Phần lễ và phần hội, nhưng phần lễ được chú trọng hơn nên lễ hội được gọi là đại lễ. Trong phần đại lễ có hai đặc điểm vô cùng đặc biệt, đó là hội thi chưng trái cây và đám rước Cộ Tiên mô phỏng theo đám rước của dân gian. Xung quanh Báo Ân Từ, nơi thờ tự chính của Đức Diêu Trì Kim Mẫu có hàng trăm gian hàng triển lãm dành cho Ban Đại diện và các Họ đạo Cao đài Tây Ninh từ khắp mọi miền đất nước về trưng bày quả phẩm hiến lễ. Từ những vật liệu chủ yếu là hoa và trái cây, nhưng qua bàn tay tài hoa, khéo léo của nữ phái và các nghệ nhân đã tạo thành những tác phẩm vô cùng đẹp mắt, rực rỡ và sống động theo nhiều chủ đề khác nhau như long, lân, quy, phụng, Phật Mẫu,… Hương sắc của mọi miền quê được hội tụ về đây làm nên những mô hình điển tích đặc sắc, có ý nghĩa về mặt tôn giáo để dâng lên Đức Phật Mẫu và cửu vị Tiên Nương. Hội thi và cuộc triển lãm này mang một giá trị thẩm mỹ rất tinh tế, đặc sắc.

 

Phần lễ theo truyền thống của đạo, cúng vào đêm mười lăm, kéo dài từ chiều đến mười hai giờ đêm, có rước cộ bông Đức Phật Mẫu và cửu vị Tiên Nương, có múa rồng nhang, ngọc kỳ lân, quy, phụng, đội múa phụng và đội nhạc sắc tộc diễu hành trước Báo Ân Từ và Đền Thánh cực kỳ hoành tráng, đặc sắc. Đoàn rước cộ bông Đức Phật Mẫu rất hùng hậu: Dẫn đầu là đoàn vũ công múa Long Mã, tiếp đến là cờ Đạo có hình Thiên Nhãn được một vị chức sắc giương cao dẫn đầu đoàn múa Tứ lính. Sau đó là một chiếc xe hoa trên đó có hình Phật Mẫu và chín cô Tiên. .Đoàn hộ tống theo sau là đội nhạc, đội trống của tín đồ Xtiêng và Khmer, kế đó là các vũ công múa Tứ Linh và cuối cùng là đội múa lân. Tiếng trống kèn rộn rã hài hòa vào các điệu múa của Long Mã, Ngọc Kỳ Lân, Rồng nhang, Qui, Phụng đặc sắc, mang nét độc đáo của đạo Cao Đài mà không có ở bất cứ nơi nào khác. Đặc biệt, múa Rồng nhang là một nét đặc trưng chỉ có ở Tây Ninh. Con Rồng dài đến gần 20 mét, do một đội vũ công khoảng 30 người điều khiển, khi múa từ đằng xa đã thấy một vùng trời sáng rực. Sự chuyển động của khói nhang nghi ngút làm toát lên vẻ uy nghi, thần thánh của con vật linh thiêng trong tín ngưỡng dân gian cũng như trong đạo Cao Đài đang uốn lượn chuyển mình hướng về Tòa thánh.

 

Ngoài hội thi trái cây và đám rước Cộ Tiên, du khách còn được thăm quan, chiêm ngưỡng những gian hàng trình bày hình ảnh sinh hoạt tôn giáo của các Họ đạo thuộc Hội thánh Cao đài Tây Ninh, đặc biệt hơn là các gian trưng bày các tích sử như: Hai Bà Trưng,  Âu Cơ – Lạc Long Quân, Thánh Gióng, Hưng Đạo Vương,… Bên cạnh đó, du khách sẽ được xem và tham gia các hoạt động vui chơi giải trí mang đậm chất dân gian, giàu bản sắc văn hóa như biểu diễn võ thuật, đánh cờ tướng, hòa nhạc cổ điển, làm thơ, ngâm thơ, diễn kịch, thi làm cộ đèn, cộ hoa, thi cắm hoa, thi làm bánh,…

 

Đặc biệt, đến với Hội Yến Diêu Trì Cung, du khách còn được thưởng thức bữa cơm chay đặc biệt ngày Rằm tháng Tám mà không nơi nào có được. Mỗi năm vào dịp này, có hàng trăm nghìn lượt người từ khắp mọi miền quê hội tụ về Tòa thánh Tây Ninh để thăm quan, chiêm ngưỡng và cúng viếng. Vì vậy, Hội thánh Cao đài Tây Ninh đã tổ chức phục vụ cơm chay miễn phí cho bà con đồng đạo và du khách thập phương tại trai đường của Tòa thánh trong dịp đại lễ. Có thể nói đây là một bữa cơm chay tập thể lớn nhất, đông vui nhất chỉ có thể diễn ra tại nơi đây. Không khí xung quanh khu vực trai đường lúc nào cũng tất bật và náo nhiệt. Luôn có khoảng trên 500 người tự nguyện làm công quả tại đây. Bộ phận trai đường nấu ăn phục vụ khách hành hương suốt trong 3 ngày, kể từ ngày 13 đến ngày Rằm tháng Tám. Bà con tín đồ và du khách hành hương có thể ăn vào bất cứ giờ nào trong ngày, kể từ 4 giờ sáng đến 9, 10 giờ tối. Vào những ngày cao điểm như 14, 15 tháng Tám hằng năm, mỗi ngày đều có khoảng 25.000 người đến dùng cơm chay tại đây. Theo tổng kết của người phụ trách việc nấu cơm của trai đường, mỗi năm hết khoảng 15 đến 20 tấn gạo. Đấy là còn chưa kể tới rau, củ, quả của tín đồ từ khắp nơi đem về thì không thể nào thống kê được.

 

Lời kết:

 

Đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung của Cao đài Tây Ninh đã bảo tồn và phát huy được những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc như tục thờ Trời, thờ Mẫu, các nghi thức cúng tế, nhạc lễ vô cùng đặc sắc. Đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung chứa đựng nhiều giá trị đạo đức không chỉ có ý nghĩa về mặt tâm linh mà còn có ý nghĩa tích cực trong cuộc sống, đó là sự trân trọng, giữ gìn và mong muốn cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Thông qua lễ hội, người ta thấy được sức mạnh đoàn kết của cộng đồng tôn giáo Cao Đài Tây Ninh. Đó cũng là biểu tượng tốt đẹp trong việc giáo dục đạo đức nhân cách của con người, phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới cần được giữ gìn và phát huy.

 

Năm nào cũng vậy, Rằm Trung thu ở Tây Ninh thường có mưa to, nhưng du khách thập phương cũng như người dân mộ đạo không quản ngại mưa dầm vẫn háo hức đón chờ đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung như một nét đẹp trong sinh hoạt văn hoá, trở thành đời sống tinh thần không thể thiếu được của đồng bào theo đạo Cao Đài./.

 

 

 

 

 

(Nguồn: Ban Tôn Giáo Chính Phủ)

Tin liên quan

WordPress Video Lightbox Plugin