Chùa Svay và khu vườn mộ độc đáo


Từ trung tâm Châu Thành theo đường 781 qua cầu Bến Sỏi, rẽ qua đường 786 chạy khoảng 5km thì đến cổng ấp Bến Cừ. Từ vị trí này men theo con đường đất đỏ thêm 3km nữa sẽ đến chùa Svay- hay còn gọi là chùa Sát-Rát như cách gọi lâu nay của người dân bản xứ.

Cổng chùa Svay.

Tây Ninh hiện nay có sáu ngôi chùa Nam tông Khmer, trong đó huyện Châu Thành có tới ba ngôi, phân bố ở các xã Hoà Thạnh, Thành Long và Ninh Điền. Nếu nhìn một cách tổng thể, cả ba ngôi chùa ở huyện biên giới này đều được thiết kế xây dựng theo những nét đặc thù của văn hoá kiến trúc Khmer, nhưng ở góc độ cụ thể thì mỗi chùa đều có nét đặc trưng riêng của nó. Và ấn tượng nhất phải kể đến chùa Svay ở xã Ninh Điền.

Từ trung tâm Châu Thành theo đường 781 qua cầu Bến Sỏi, rẽ qua đường 786 chạy khoảng 5km thì đến cổng ấp Bến Cừ. Từ vị trí này men theo con đường đất đỏ thêm 3km nữa sẽ đến chùa Svay- hay còn gọi là chùa Sát-Rát như cách gọi lâu nay của người dân bản xứ.

Thật ra, ngôi chùa Khmer toạ lạc tại ấp Bến Cừ có tên đầy đủ theo tiếng Pali là “Pun lư reak smay roth tăk năk uth đom”, có nghĩa là “Hào quang ngọc cao quý”. Còn Sát Rát là tên chùa theo cách dân gian quen gọi, hai chữ “Sát Rát” là đọc trại từ “Banh chras” có nghĩa là đi ngược hướng. Các sư và những bậc cao niên ở đây cho biết, xưa kia vị trí của chùa tiếp giáp với bốn hướng đường. Vì vậy, vào các dịp lễ hội, người đi từ các hướng ngược nhau đến đây rất đông vui, nên người ta mới gọi quen vậy. Còn tên Svay như hiện nay là lấy tên phum mà gọi tên chùa. Trước đây, khu vực này người Khmer sinh sống gọi là Phum Svay, có nghĩa là làng có nhiều cây xoài.

Chùa Svay hiện nay do sư Nao Hol làm trụ trì. Vườn chùa rất rộng, nếu tính luôn cả khu ao nước và khu tháp thì khuôn viên chùa có tổng diện tích là 3,3 mẫu. Theo vài tài liệu cho biết, chùa Svay được xây dựng khoảng năm 1920, nhưng ngôi chùa cũ đã bị hư hại hoàn toàn do chiến tranh. Ngày nay, ngôi chánh điện mới đang được xây cất lại trên nền chùa xưa. Tuy đất chùa rộng, nhưng lại là thấp so với các khu vực xung quanh, mùa mưa sân chùa thường bị ngập nước. Gần đây, nhiều bà con phật tử mua hơn chục xe đất cúng dường cho chùa. Vì vậy, phần nào nền đất chùa được nâng cao và sạch sẽ hơn.

Đi trong vườn chùa, chúng tôi cảm giác yên bình đến lạ thường. Những cây cổ thụ đứng vươn mình che mát cả một vùng đất rộng. Tán cây bồ đề xoè ra như pháp thân Phật chan hoà với bao mưa nắng từ bi của muôn vạn kiếp người. Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni uy nghi trong tư thế toạ thiền dưới gốc cây bồ đề với đôi mắt nội quan huyền bí và nụ cười hàm tiếu như một thông điệp gửi đến mọi người là phải luôn luôn soi xét hành vi bản thân để xa lìa mọi xấu ác.

Ngoài tượng Phật ngồi khá to, trong sân chùa còn có nhiều cụm tượng khác rất đẹp như cụm tượng Đức Phật thí phát quy y bên cạnh là Sa Nặc và con bạch mã. Gần đó là cụm tượng tái hiện sự kiện Đức Phật đản sinh nơi vườn Lâm Tì Ni… trông rất sống động. Nhưng nét đặc biệt của chùa Svay lại tập trung ở khu hậu diện. Nơi đây có ao nước, ven ao nước là một khu vườn mộ hết sức độc đáo.

Vườn mộ

Như chúng ta đã biết, bà con Phật tử Khmer quan niệm về sự sống và cái chết của con người không tách rời nhau, mà nó luôn chịu chi phối bởi luật luân hồi, nhân quả. Mỗi một con người đều có một cuộc sống riêng và một thân phận riêng, đó chính là sinh mệnh. Con người luôn hoạt động không ngừng. Cũng như sự sống và cái chết không có giới hạn là một vòng tròn liên tục giữa nhân và quả.

Cho nên suy cho cùng cuộc đời chỉ là cõi tạm, còn hạnh phúc vĩnh hằng là ở thế giới bên kia – thế giới của sự chấm dứt luân hồi sinh tử. Mà muốn vậy thì phải nương nhờ ánh sáng trí tuệ và lòng từ bi của Phật pháp. Vì vậy, còn sống, mọi người thường xuyên đến chùa nghe kinh học đạo, nhắm mắt xuôi tay mong muốn được gửi nắm tro tàn bên cạnh ngôi chùa hòng tìm được sự bình yên cho linh hồn ở thế giới bên kia.

Theo kết quả điền dã, hiện nay, cộng đồng Khmer Tây Ninh thực hiện lễ tang ma có hai hình thức. Nếu như các làng Khmer ở hai huyện Tân Châu, Tân Biên đa phần là thổ táng như người Kinh, các làng ở huyện Châu Thành hơn 90% là hoả táng. Trao đổi với Sư cả Nao Honl, sư cho biết ở khu vực này đã có lò thiêu từ rất lâu, cho nên khi có người qua đời thì đa phần là thiêu chứ không chôn nữa. Nhưng cũng có trường hợp ngoại lệ không được thiêu liền do cái chết xấu như bị rắn cắn, xe tông, tự tử… phải chôn hơn ba năm sau đó mới làm lễ lấy cốt và thiêu.

Phía sau chùa Svay là khu vườn mộ ẩn dưới tán rừng. Tại nơi này, chúng tôi đếm được có tổng cộng l mười sáu ngôi nhà mồ và bốn ngôi tháp. Mỗi ngôi như vậy là của một dòng họ tự xây dựng. Những ngôi nhà mồ được xây với diện tích khoảng 2m x 3m, tường bốn phía xây cao khoảng 70cm, bốn góc có bốn cột đỡ phần mái che. Trong các ngôi nhà mồ này, người ta đổ một lớp cát dày khoảng 50cm. Dưới lớp cát ấy là các lọ cốt của người đã khuất.

Tương tự, các ngôi tháp được xây cao ba tầng, có nền cao, xung quanh có tượng rắn thần Naga canh giữ. Nhìn chung, các tháp được trang trí rất đẹp và ấm cúng hơn so với các nhà mồ. Ngoài ra, trong khu hậu diện chùa còn có miếu Neakta (miếu Ông Tà) với chức năng canh giữ chùa, xua đi những thế lực ma quỷ và hộ trì các vong linh an nghỉ bình yên. Tại nơi này, hằng năm vào các dịp như Chol Chnam Thmay, lễ cầu siêu, Sen Dolta… các gia đình phật tử đều mời sư đến tụng kinh, cúng bái cầu cho vong linh của người thân trong gia đình được siêu thoát.

Ngôi sala cổ xưa.

Có thể nói, khu vườn mộ là nơi lưu giữ di cốt của các phật tử Khmer quá cố rất phù hợp với đời sống hiện nay. Nhìn những ngôi tháp nhọn đứng soi bóng xuống mặt nước, rồi nhìn mặt nước phản chiếu mây trời, dễ khiến lòng người hoài cảm về bao nổi trôi hụp lặn trong cõi mưu sinh và cuối cùng cũng trở về với cát bụi…

Đến với chùa Svay và viếng thăm khu vườn mộ mới cảm nhận được sâu hơn về triết lý nhân sinh của Phật giáo Nam Tông. Vấn đề này đã tác động đến tư tưởng, tín ngưỡng cũng như phong tục lễ hội, nhất là nghi lễ vòng đời của bà con nơi đây từ rất lâu đời. Đó cũng là thế giới tinh thần và bản sắc của bà con Khmer Nam bộ nói chung và Tây Ninh nói riêng. Mô hình vườn mộ độc đáo này vừa đẹp lại vừa tiết kiệm được diện tích đất, bảo đảm vệ sinh môi trường, cũng rất phù hợp với văn hoá truyền thống của người Khmer và xu thế của xã hội hiện nay.

 

(Nguồn: Báo Tây Ninh online)

Tin liên quan

WordPress Video Lightbox Plugin