Bài học “xương máu” khiến quận 7 trở thành mô hình chống dịch hiệu quả nhất cả nước


“Quận 7 đang là một trong những mô hình chống dịch cấp quận hiệu quả nhất, hoàn toàn có thể trở thành bài học kinh nghiệm cho các quận, huyện khác trên cả nước” – TS Nguyễn Thu Anh nhận định khi trao đổi với Dân trí.

 

Không thụ động ngồi chờ chỉ đạo và sự hỗ trợ của thành phố, từ giữa tháng 7, lãnh đạo quận 7 đã chủ động tìm kiếm và lắng nghe ý kiến chuyên gia, làm tiền đề cho hàng loạt quyết định “xé rào” trong chống dịch giai đoạn sau đó.

 

Đến đầu tháng 9, quận 7 đã là địa phương đầu tiên (cùng với huyện Củ Chi) của TPHCM tuyên bố kiểm soát dịch thành công. TS Nguyễn Thu Anh nói: “Quận 7 đang là một trong những mô hình chống dịch cấp quận hiệu quả nhất, hoàn toàn có thể trở thành bài học kinh nghiệm cho các quận huyện khác trên cả nước trong giai đoạn sắp tới”.

 

Giảm tử vong nhờ tổ y tế cộng đồng và tự nâng cấp bệnh viện dã chiến

 

Hai tuần đầu tháng 7, giống như bao quận huyện khác của TPHCM, quận 7 bùng phát dịch với tâm dịch lớn nhất ở Khu Chế xuất Tân Thuận có 45.000 công nhân, là một trong 5 quận có số ca nhiễm cao  nhất thành phố, quá tải y tế và có những ngày hơn chục ca tử vong vì Covid-19.

 

“Giai đoạn đó chúng tôi đã thực sự bối rối vì không lường được diễn biến dịch sẽ phức tạp như thế” – Bí thư Quận ủy Võ Khắc Thái, chia sẻ.

 

Ngày 18/5, lực lượng chức năng Quận 7 tổ chức phong tỏa tòa nhà 7 tầng ở mặt đường số 7, phường Tân Kiểng khi phát hiện ca mắc Covid-19 (Ảnh: Hải Long).

 

Nhưng nửa cuối tháng 7, lãnh đạo quận 7 đã đi tìm kiếm và lắng nghe ý kiến chuyên gia để tự xây dựng một mô hình chống dịch riêng cho quận mình, không thụ động theo các chủ trương chung của thành phố, kéo số tử vong ở mức cao giữa tháng 7, trở về con số 0-2 người/ ngày vào đầu tháng 9. Một Ban Chỉ đạo phòng chống dịch được thành lập, điều phối toàn bộ các hoạt động: từ điều phối trong công tác điều trị cho đến đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội, an ninh trật tự.

 

Trong bài phỏng vấn Dân Trí đầu tháng 8, TS Nguyễn Thu Anh (trưởng nhóm nghiên cứu F5team – nhóm có nhiều khuyến nghị giá trị về chống dịch), chia sẻ về mô hình “tổ y tế cộng đồng”, đang được thử nghiệm rất hiệu quả ở quận 7. Từ đầu tháng 7, khi đưa ra khuyến nghị về việc điều trị cho F0 tại nhà, giảm tải cho các cơ sở thu dung và bệnh viện dã chiến đang quá tải, nhóm nghiên cứu của TS Nguyễn Thu Anh đã đề nghị xây dựng mô hình tổ y tế cộng đồng để chăm sóc sức khỏe cho F0 ngay tại nhà. Lãnh đạo quận 7 đã tham khảo những ý kiến này và trở thành quận đầu tiên ở TPHCM triển khai tổ y tế cộng đồng đến từng phường.

 

Một bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 tại địa bàn Quận 7 (Ảnh: Hải Long).

 

Khi ấy TPHCM vẫn đang áp dụng mô hình 5 tầng điều trị. Các tầng điều trị thấp (1-2) hầu như chỉ có trách nhiệm phân loại bệnh nhân, không có các thiết bị y tế đủ để hỗ trợ những ca không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ bất ngờ tăng nặng. Nhiều bệnh nhân tử vong khi không kịp chuyển lên bệnh viện tuyến trên vì quy trình, thủ tục chuyển viện còn rắc rối.

 

“Số ca tăng nặng và bệnh nhân tử vong sẽ giảm đi nhiều nếu được điều trị kịp thời ngay từ những tầng thấp, vì khi các bệnh nhân chuyển nặng và nhập viện ở các tầng cao, tỷ lệ điều trị thành công giảm đi rất nhiều” – TS Thu Anh chia sẻ.

 

Bí thư Quận 7 Võ Khắc Thái cũng thừa nhận, khi nghiên cứu mô hình 5 tầng điều trị, lãnh đạo quận 7 đã thấy có những vấn đề còn tồn tại.

 

Không máy móc áp dụng mô hình điều trị chung của TPHCM, ngày 29/7, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Quận 7 đã thực hiện hàng loạt động tác “xé rào”. Chủ tịch UBND quận 7 Hoàng Minh Tuấn Anh cho biết: “Chúng tôi xây dựng 10 tổ y tế cộng đồng ở 10 phường. Mỗi tổ y tế đều có 10-15 người, có bác sĩ, y tá và các tình nguyện viên đã được tập huấn về chăm sóc F0 tại nhà. Tổ y tế nào cũng được trang bị thuốc men và xe cấp cứu để kịp thời chuyển bệnh nhân lên các bệnh viện tuyến trên khi có diễn biến xấu”.

 

Tổ y tế cộng đồng có trách nhiệm lập danh sách toàn bộ các F0 nhiễm Covid-19 trong địa bàn phường, hàng ngày thăm khám trực tiếp/online và hướng dẫn các F0 tự đo SP02 và chăm sóc sức khỏe tại nhà. Khi F0 có dấu hiệu chuyển nặng, xe cấp cứu được trang bị cho từng tổ y tế cộng đồng sẽ đưa họ lên các bệnh viện tuyến trên.

 

Từ ngày 20/8 đến ngày 2/9, các tổ y tế cộng đồng ở quận 7 đã thăm khám trực tiếp cho 1.961 trường hợp, thăm khám và tư vấn online cho 5.792 trường hợp, chuyển viện cấp cứu 79 trường hợp.

 

“Một đường dây nóng dành riêng cho các F0 cần hỗ trợ y tế với 3-5 số điện thoại thường trực 24/7 sẵn sàng hỗ trợ bệnh nhân. Chúng tôi cũng lập riêng đường dây nóng về an ninh trật tự, an sinh xã hội để đảm bảo không người dân nào cần mà lại không được hỗ trợ” – Chủ tịch Hoàng Minh Tuấn Anh nói.

 

Để chủ động cho việc điều trị các F0 chuyển nặng trong hoàn cảnh các bệnh viện dã chiến đều quá tải vì Covid-19, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quận 7 đã mạnh dạn điều chuyển khu thu dung điều trị F0 Nguyễn Văn Quỳ (vốn chỉ có chức năng phân loại F0), thành một khu điều trị tầng cao với quy mô 300 giường, được trang bị 50 máy thở dòng cao HFNO, 54 máy tạo oxy. 

 

Các y, bác sĩ làm việc tại Bệnh viện dã chiến số 16, Quận 7 (Ảnh: Hải Long).

 

Nhưng điều kiện để có thể trở thành một bệnh viện dã chiến tầng cao là cần có hệ thống oxy lỏng như những bệnh viện lớn để tránh việc phải thay hàng trăm bình oxy mỗi ngày. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Quận 7 đã mày mò đi thuê bồn oxy công nghiệp quy mô 32 tấn, đặt ngay bên ngoài khu điều trị Nguyễn Văn Quỳ, đảm bảo cung cấp oxy cùng lúc cho hàng trăm bệnh nhân.

 

Không thụ động chờ đợi thành phố đưa về, các trang thiết bị hiện đại trang bị cho bệnh viện đến từ hai nguồn: ngân sách chống dịch của quận và sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm trong và ngoài địa bàn.

 

Với sự chuyển đổi mô hình này, phần lớn các F0 trong địa bàn quận 7 được điều trị tại nhà hoặc trong chính các bệnh viện dã chiến của quận. Với những F0 cần được điều chuyển lên các bệnh viện tầng cao hơn, Quận 7 chủ động liên lạc trước với các bệnh viện tuyến trên để xây dựng quy trình thủ tục điều chuyển bệnh nhân gọn nhẹ chỉ trong 30 phút, không để bệnh nhân tử vong chậm trễ trong công tác chuyển viện.

 

Chủ tịch Hoàng Minh Tuấn Anh cũng cho biết: “Để người dân có thể nắm được diễn biến của dịch bệnh trong địa bàn quận, chúng tôi đã phối hợp với Zalo để thực hiện các bản tin được cập nhật 2-3 lần mỗi ngày, thông báo chi tiết về tình hình dịch bệnh theo ngày trên địa bàn phường, quận. Không chỉ những người dân thường trú hay tạm trú trên địa bàn, chỉ cần là người đang sử dụng điện thoại đi qua địa bàn quận cũng sẽ nhận được thông báo này”.

 

Không chỉ  tập trung vào công tác chống dịch, Ban Chỉ đạo quận 7 chú trọng đến vấn đề an sinh xã hội. Các tổ chức tôn giáo, kể cả Phật giáo và Tin lành trên địa bàn đều ủng hộ quận bằng cách phát hàng nghìn suất ăn miễn phí và hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm cho các khu phong tỏa. Các cán bộ quận đã đến từng gia đình có nhà cho thuê trên địa bàn để xin giảm tiền nhà cho những người thuê nhà.

 

Những biện pháp kịp thời của lãnh đạo Quận 7 đã giúp người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn yên tâm phần nào và tuân thủ các chủ trương chống dịch của thành phố (Ảnh: Hải Long).

 

Chủ tịch Hoàng Anh Minh cho biết: “Chúng tôi vận động các chủ nhà giảm giá thuê trọ cho công nhân, để chia sẻ khó khăn với họ. 70% các chủ nhà cho thuê đã đồng ý giảm từ 20-70% tiền nhà. Tổng số tiền giảm là 17 tỷ đồng”.

 

Cùng với các gói an sinh của thành phố, những biện pháp kịp thời của lãnh đạo quận 7 đã giúp người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn yên tâm phần nào và tuân thủ các chủ trương chống dịch của thành phố.

 

Theo Chủ tịch Hoàng Minh Tuấn Anh, trong một tháng qua, số ca F0 chuyển biến nặng rất ít. 2 tuần qua, quận chỉ ghi nhận 0-2 ca tử vong mỗi ngày. Các bệnh viện dã chiến trên địa bàn luôn có sẵn giường để đón bệnh nhân đến điều trị. Cho đến ngày 9/9, tỷ lệ vùng xanh trong quận là 68%, vùng đỏ và vùng cam chỉ còn 32%. Trên địa bàn quận không phát sinh các ổ lây nhiễm mới trong 1 tháng. Quận 7 trở thành một trong hai quận, huyện đầu tiên ở TPHCM báo cáo kiểm soát dịch thành công lên thành phố và được chọn để thí điểm cho việc nới lỏng các biện pháp phong tỏa, quay trở lại bình thường mới.

 

Đề xuất bình thường mới của quận 7 sau ngày 20/9

 

Hiệu quả từ bài học chủ động đã khiến lãnh đạo quận 7 tiếp tục tìm kiếm những giải pháp cho các vấn đề kinh tế – xã hội sau dịch. Từ giữa tháng 8, khi tình hình dịch bệnh đã có xu hướng tích cực hơn, lãnh đạo quận 7 đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Kinh tế – Xã hội giai đoạn bình thường mới, để sẵn sàng phục hồi kinh tế sau đại dịch.

 

Phương án quay trở lại với bình thường mới của quận 7 đã được trình lên UBND TPHCM để chờ thông qua. Nếu phương án này được chấp nhận, quận 7 sẽ thí điểm quay trở lại bình thường mới giai đoạn một (20/9 đến 20/10), với những ngành nghề được ưu tiên như lương thực, thực phẩm, các dịch vụ ăn uống theo hình thức bán mang đi, áp dụng cho những chủ hộ kinh doanh đã tiêm hai mũi vắc xin.

 

Nếu phương án này được chấp nhận, quận 7 sẽ thí điểm quay trở lại bình thường mới giai đoạn một từ 20/9 đến 20/10 (Ảnh: Hải Long).

 

Lộ trình tiêm vaccine mũi 2 cũng đang được thúc đẩy. Với tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 2 cho người trên 18 tuổi đã đạt 20% (theo số liệu ngày 9/9), quận 7 đạt mục tiêu tiêm mũi 2 cho 100%  dân số trên 18 tuổi trong tháng 9 này.

 

“Chúng tôi đánh giá ảnh hưởng của bệnh dịch lên doanh nghiệp và người dân trên địa bàn. Số liệu về các doanh nghiệp giải thể, tỷ lệ công nhân mất việc, tỷ lệ người lao động bị gặp khó khăn đều được thống kê đầy đủ để từ đó xây dựng lộ trình phục hồi” – Chủ tịch Hoàng Minh Tuấn Anh chia sẻ.

 

Ông Hoàng Minh Tuấn Anh cũng cho biết, quận đã đề xuất miễn giảm thuế và kết nối với các ngân hàng để khoanh nợ, hỗ trợ cho vay vốn cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp gặp khó khăn. Với những hộ kinh doanh bán hàng ăn mang đi, quận đề xuất hỗ trợ test nhanh miễn phí 3 ngày/lần trong tháng đầu tiên. Các gói an sinh cũng sẽ tiếp tục được chi trong tháng đầu tiên thí điểm bình thường mới.

 

“Hiện chúng tôi đang có một ý tượng táo bạo nữa, đó là đề xuất thành phố cho phép sử dụng các khu đất trống hoặc các khu nhà ở thương mại nhưng chưa đưa vào sử dụng để xây những nhà lưu trú cho công nhân thuê với mức giá rất rẻ, vừa hỗ trợ công nhân, vừa đảm bảo giãn cách. Việc này cần chung tay của các doanh nghiệp trên địa bàn quận” – ông Hoàng Minh Tuấn Anh cho biết.

 

Khi đánh giá về những nỗ lực của quận 7, TS Nguyễn Thu Anh nói: “Quận 7 đang là một trong những mô hình chống dịch cấp quận hiệu quả nhất, hoàn toàn có thể trở thành bài học kinh nghiệm cho các quận huyện khác trên cả nước”.

 

Nguồn: Nội dung: Lan Hương, Ảnh: Hải Long – Báo điện tử Dân trí

Tin liên quan

WordPress Video Lightbox Plugin